Đề thi kỹ năng luật sư - Phần dân sự đợt 1 năm 2022
Đề thi kỹ năng luật sư – Phần dân sự đợt 1 năm 2022

ĐỀ THI KỸ NĂNG HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ

PHẦN DÂN SỰ – ĐỢT 1 NĂM 2022

Đề bài

Câu 1.  (Phần chung cho tất cả các thí sinh): 50 điểm

Cụ Phạm Văn N và vợ là cụ Nguyễn Thị T là người có quyền sử dụng 300m đất trên đó có căn nhà cấp 4 diện tích 100m do hai cụ xây dựng tại số 18 đường THĐ, phường 1, quận K, thành phố H. Hai cụ có 03 người con là bà Phạm Thị A, bà Phạm Thị B và ông Phạm Văn C. Các bà A và B đã lấy chồng và không ở tại căn nhà số 18 đường THĐ

Ngày 30/6/2005 ông C mất. Khi mất, ông C đã có vợ là bà Trần Tú D và 02 con là Phạm Văn G (19 tuổi), Phạm Thị E (15 tuổi).

Ngày 12/12/2008 cụ N mất. Khi mất, cụ N không để lại di chúc.

Ngày 02/6/2010 cụ T mất. Khi mất, cụ T để lại di chúc với nội dung toàn bộ phần tài sản của cụ T tại nhà đất số 18 đường THĐ, thành phố H được chia đều cho con gái cả là bà A và cháu G.

Sau khi vợ chồng cụ N mất, bà D và hai con vẫn ở tại căn nhà số 18 đường THĐ nói trên. Bà D đã cho bà Trần Thị H thuê % căn nhà và quản lý toàn bộ tiền thuê nhà. Đến tháng 10 năm 2017, do không thống nhất được với nhau về việc chia di sản của cụ N và cụ T cho bà A, nên bà A muốn khởi kiện ra tòa án yêu cầu chia di sản thừa kế của bố mẹ để lại. Bà A cần luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà trong vụ án này.

Bạn có thể quan tâm: Tổng hợp Bộ đề kỹ năng luật sư từ năm 2017-2024

Câu hỏi 1:

  1. Anh/Chị tư vấn cho bà A khởi kiện ai? Xác định tư cách đương sự tham gia tố tụng trong vụ án?
  2. Xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp này? Vì sao?

Câu hỏi 2:

  1. Khi bà A khởi kiện đến tòa án thì tòa án trả lại đơn khởi kiện với lý do vụ việc chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân phường 1, quận K. Theo anh/chị, việc Tòa án trả lại đơn kiện với lý do trên có đúng không? Vì sao?
  2. Vụ tranh chấp này sẽ áp dụng các quy định về thừa kế tại Bộ luật Dân sự năm 2005 hay Bộ luật Dân sự năm 2015? Vì sao?

Câu hỏi 3:

  1. Bà B vì không muốn tham gia vào việc tranh chấp di sản thừa kế của bố mẹ để lại nên bà muốn từ chối nhận di sản thừa kế và muốn tặng cho bà A kỷ phần của mình. Mong muốn này của bà B có thực hiện được không? Vì sao?
  2. Luật sư sẽ tư vấn cho bà A, bà B như thế nào về quyền lợi của bà A?

Câu hỏi 4:

  1. Tại phiên tòa sơ thẩm, bà D yêu cầu cháu E cũng phải được hưởng thừa kế của các cụ N và T với lý do cháu đang ở tuổi vị thành niên. Giả sử anh/chị là luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bà A, hãy nêu lập luận để phản bác lại yêu cầu của bà D.
  2. Trong trường hợp nào thì cháu E được hưởng di sản thừa kế của cụ T?

ĐÁP ÁN THAM KHẢO

Câu hỏi 1:

  1. Anh/Chị tư vấn cho bà A khởi kiện ai? Xác định tư cách đương sự tham gia tố tụng trong vụ án?
  • Tư vấn cho Bà A khởi kiện G.
  • Xác định tư cách tham gia tố tụng trong vụ án:
  • Nguyên đơn: Bà A

Vì bà A là người khởi kiện khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Cơ sở pháp lý: Khoản 2 Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

  • Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

(i) Phạm Thị B;

(ii) Trần Tú D;

(iii) Phạm Thị E;

(iv) Trần Thị H.

Vì giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của những người này.

Cơ sở pháp lý: Khoản 4 Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

  1. Xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp này? Vì sao?
  • Thẩm quyền theo vụ việc:

            Đây là tranh chấp về chia di sản thừa kế nên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

            Cơ sở pháp lý: Khoản 5 Điều 26 BLTTDS 2015.

  • Thẩm quyền theo cấp:

            Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm vụ án này.

            Cơ sở pháp lý: điểm a khoản 1 Điều 35 BLTTDS 2015.

  • Thẩm quyền theo lãnh thổ:

            Đây là tranh chấp về chia di sản thừa kế có đối tượng tranh chấp là bất động sản (nhà và đất tại Quận K, thành phố H) nên tòa án nhân dân Quận K có thẩm quyền giải quyết vụ án.

            Cơ sở pháp lý: điểm c khoản 1 Điều 39 BLTTDS 2015.

  • Vụ án không thuộc trường hợp áp dụng thẩm quyền Tòa án theo sự lựa chọn của Nguyên đơn.

Câu hỏi 2:

  1. Khi bà A khởi kiện đến tòa án thì tòa án trả lại đơn khởi kiện với lý do vụ việc chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân phường 1, quận K. Theo anh/chị, việc Tòa án trả lại đơn kiện với lý do trên có đúng không? Vì sao?

Khi bà A khởi kiện đến tòa án thì tòa án trả lại đơn khởi kiện với lý do vụ việc chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân phường 1, quận K là không đúng, vì:

Đối với những tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất thì thủ tục hòa giải tại UBND phường là bắt buộc và mới đủ điều kiện khởi kiện. Đối với những tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất như tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất … thì thủ tục hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp là không bắt buộc, không phải điều kiện khởi kiện vụ án.

Cơ sở pháp lý: khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP ngày 5/5/2017.

“Điều 3. Về chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015

  1. Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,… thì thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án”.

  1. Vụ tranh chấp này sẽ áp dụng các quy định về thừa kế tại Bộ luật Dân sự năm 2005 hay Bộ luật Dân sự năm 2015? Vì sao?

Đây là vụ án tranh chấp về thừa kế tài sản, theo dữ liệu trong đề bài thì thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Ngày 12/12/2008 cụ N mất, ngày 2/6/2010 cụ T mất. Như vậy sẽ áp dụng luật nội dung tại thời điểm mở thừa kế là BLDS 2005 đang có hiệu lực vào thời điểm cụ N và cụ T mất để giải quyết vụ án.

Tuy vậy, về thời hiệu khởi kiện thì theo quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 688 BLDS 2015 được áp dụng thời hiệu khởi kiện theo BLDS 2015. Ngoài ra còn một số nội dung khác sẽ áp dụng BLDS 2015 (Điều 688 BLDS 2015 điều khoản chuyển tiếp).

Câu hỏi 3:

  1. Bà B vì không muốn tham gia vào việc tranh chấp di sản thừa kế của bố mẹ để lại nên bà muốn từ chối nhận di sản thừa kế và muốn tặng cho bà A kỷ phần của mình. Mong muốn này của bà B có thực hiện được không? Vì sao?

Vì thời hiệu được áp dụng theo quy định của BLDS 2015 nên theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688 BLDS 2015 thì bà B có quyền từ chối nhận di sản thừa kế trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ tài sản với người khác (Điều 620 BLDS 2015).

Lưu ý: nếu áp dụng BLDS 2005 (Điều 642 BLDS 2005) thì thời hạn từ chối nhận di sản là 6 tháng kể từ ngày mở thừa kế. Sau 6 tháng kể từ ngày mở thừa kế nếu không từ chối nhận di sản thì được coi là đồng ý nhận thừa kế. Trường hợp này áp dụng thời hiệu BLDS 2015 nên không áp dụng Điều 642 BLDS 2005.

Nếu Bà A từ chối nhận di sản thừa kế thì bà B không thể tặng cho bà A kỷ phần của mình và kỷ phần của bà B sẽ được chia đều cho các đồng thừa kế còn lại.

  1. Luật sư sẽ tư vấn cho bà A, bà B như thế nào về quyền lợi của bà A?

            Bà B phải nhận di sản thừa kế phần của mình thì sau đó mới có tài sản để tặng cho bà A.

            Việc tặng cho giữa bà A và B phải được lập hợp đồng tặng cho được công chứng theo quy định của pháp luật.

            Trong các biên bản làm việc, ghi lời tự khai của bà A, B tại tòa án, bà B thể hiện ý chí, mong muốn của mình nhận di sản thừa kế và tặng cho Bà A, bà A thể hiện ý chí mong muốn của mình là đồng ý nhận tài sản tặng cho từ bà B.

            Bà B không muốn tham gia vào việc tranh chấp di sản thừa kế của bố mẹ để lại và bà có thể làm đơn xin vắng mặt tại phiên họp công khai chứng cứ và hòa giải, phiên tòa xét xử các cấp sau khi nêu rõ ý kiến của mình.

            Bà B có thể ủy quyền cho bà A tham gia hoặc Luật sư tham gia tố tụng thay mình.

Câu hỏi 4:

  1. Tại phiên tòa sơ thẩm, bà D yêu cầu cháu E cũng phải được hưởng thừa kế của các cụ N và T với lý do cháu đang ở tuổi vị thành niên. Giả sử anh/chị là luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bà A, hãy nêu lập luận để phản bác lại yêu cầu của bà D.

Thời điểm 12/12/2008, cụ N mất, khi mất, cụ N không để lại di chúc. Ông C mất ngày 30/6/2005 trước thời điểm cụ N mất. Ông C có hai con là cháy Phạm Văn G và Phạm Thị E.

Như vậy, cháu G và E là những người được thừa kế thế vị của ông D theo Điều 677 BLDS 2005.

Cháu E sẽ được hưởng một nửa di sản mà nếu còn sống bố cháu là ông C được hưởng từ cụ N.

Cháu E không được hưởng di sản thừa kế của cụ T vì cụ T đã để lại di chúc với nội dung toàn bộ phần tài sản của cụ T tại nhà đất số 18 đường THĐ, thành phoos H được chia đều cho con gái cả là bà A và cháu C.

Vì vậy, bà D yêu cầu cháu E cũng phải được hưởng thừa kế của cụ N, cụ T với lý do cháy đang ở tuổi vị thành niên là không có căn cứ. Cháu E chỉ được hưởng theo phần của cháu theo thừa kế thế vị từ bố cháu (đã chết trước cụ N) tài sản cụ N để lại. (Cháu E khong còn tuổi vị thành niên).

  1. Trong trường hợp nào thì cháu E được hưởng di sản thừa kế của cụ T?

            Trường hợp di chúc của cụ T là không hợp pháp thì cháu E sẽ được hưởng thừa kế thế vị (một nửa di sản mà đáng lẽ nếu còn sống thì bố cháu là ông C được hưởng từ cụ T, vì ông C có hai con là Phạm Văn G và Phạm Thị E).

            Lưu ý:

            Cháu E còn tuổi vị thành niên hay không thì không phải điều kiện được hưởng thừa kế của cụ N, cụ T.

            Thời điểm tháng 10/2017 cháu E không còn tuổi vị thành niên.

User Rating: 4.55 ( 1 votes)

Luật sư Online

Luật sư Online là quản trị viên của website Luật Online

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

Back to top button