Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao nhận định

Căn cứ vào các lời khai nhận tội của bị cáo Đồng Xuân Phương trong quá trình điều tra và tại các phiên tòa sơ thẩm, phiên tòa phúc thẩm; Lời khai và kết quả nhận dạng của những người làm chứng về các đối tượng liên quan đến vụ án; Biên bản khám nghiệm hiện trường; Bản giám định pháp y cùng các tài liệu, chứng cứ khác của vụ án; có đủ căn cứ kết luận do mâu thuẫn trong sinh hoạt, Đồng Xuân Phương đã thuê Hoàng Ngọc Mạnh và Đoàn Đức Lân dùng dao đâm anh Nguyễn Văn Soi, với mục đích gây thương tích cho nạn nhân để trả thù. Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, có căn cứ xác định về mặt chủ quan, Phương chỉ muốn gây thương tích cho anh Soi mà không muốn tước đoạt tính mạng, cũng không muốn thuê Mạnh đâm bừa, đâm ẩu vào anh Soi để mặc mọi hậu quả xảy ra. Vì thế, bị cáo chỉ yêu cầu tấn công vào chân, tay mà không yêu cầu tấn công vào các phần trọng yếu của cơ thể, là những vị trí nếu bị tấn công thì sẽ có nhiều khả năng xâm hại đến tính mạng nạn nhân. Khi thực hiện tội phạm, Mạnh đã đâm 02 nhát đều vào đùi nạn nhân theo đúng yêu cầu của Phương. Hành vi phạm tội của Hoàng Ngọc Mạnh khó thấy trước được hậu quả chết người có thể xảy ra. Việc nạn nhân bị chết do sốc mất máu cấp không hồi phục là ngoài ý muốn của Đồng Xuân Phương và đồng phạm. Hành vi của Đồng Xuân Phương thuộc trường hợp phạm tội “Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người”, quy định tại khoản 3 Điều 104 Bộ luật Hình sự. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đã kết án Đồng Xuân Phương về tội “Giết người” là không đúng pháp luật.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nội dung án lệ

“Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, có căn cứ xác định về mặt chủ quan, Phương chỉ muốn gây thương tích cho anh Soi mà không muốn tước đoạt tính mạng, cũng không muốn thuê Mạnh đâm bừa, đâm ẩu vào anh Soi để mặc mọi hậu quả xảy ra. Vì thế, bị cáo chỉ yêu cầu tấn công vào chân, tay mà không yêu cầu tấn công vào các phần trọng yếu của cơ thể, là những vị trí nếu bị tấn công thì sẽ có nhiều khả năng xâm hại đến tính mạng nạn nhân. Khi thực hiện tội phạm, Mạnh đã đâm 02 nhát đều vào đùi nạn nhân theo đúng yêu cầu của Phương. Hành vi phạm tội của Hoàng Ngọc Mạnh khó thấy trước được hậu quả chết người có thể xảy ra. Việc nạn nhân bị chết do sốc mất máu cấp không hồi phục là ngoài ý muốn của Đồng Xuân Phương và đồng phạm. Hành vi của Đồng Xuân Phương thuộc trường hợp phạm tội “Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người” quy định tại khoản 3 Điều 104 Bộ luật Hình sự. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đã kết án Đồng Xuân Phương về tội “Giết người” là không đúng pháp luật”.

Bình luận

Trong vụ án này Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm đều tuyên xử bị cáo về tội “Giết người”, nhưng Quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã kết luận bị cáo phạm tội “Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người”.

Những tình tiết quan trọng mà Quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao nêu lên để đưa ra kết luận như nêu trên là :

– Kẻ chủ mưu chỉ yêu cầu kẻ thực hiện tội phạm gây thương tích tay chân của nạn nhân;

– Kẻ thực hiện tội phạm đã dùng dao đâm 02 lần vào phần đùi của nạn nhân;

– Nạn nhân chết do mất nhiều máu.

Thực tiễn cho thấy là không thể có những vụ án hoàn toàn giống nhau mà chỉ có thể tương tự nhau, nói cách khác là chỉ có những tình tiết tương tự nhau.

Ví dụ: Kẻ phạm tội đâm vào hông nạn nhân làm đứt tĩnh mạch hông; đâm vào vai làm đứt tĩnh mạch vai, tĩnh mạch quai xanh… làm nạn nhân mất nhiều máu nên bị chết. Những trường hợp này có được coi là “Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người” như vụ án được nêu trên không? Với việc chỉ nêu lên những tình tiết của vụ án mà không đưa ra nguyên tắc pháp lý để phân biệt tội “Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người” với tội “Giết người”, ”án lệ” này cũng như mục “Khái quát nội dung của án lệ” và mục “Nội dung của án lệ” đã không chỉ ra được phạm vi ràng buộc trong việc áp dụng tội danh “Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người”. Điều này dẫn đến rất khó hay nói đúng hơn là không thể áp dụng “án lệ” này trong thực tiễn. Để hình thành án lệ, đáng lẽ sau khi nêu lên những tình tiết quan trọng của vụ án, cần phải viết ra những lập luận về nguyên tắc pháp lý, nếu lập luận rộng thì sẽ bao hàm nhiều vụ án tương tự trong tương lai, do đó giá trị án án lệ sẽ lớn, ngược lại sẽ bao hàm phạm vi hẹp hơn. Chỉ liệt kê những tình tiết của vụ án rồi đưa ra kết luận luôn thì sẽ không hình thành ra án lệ .

Mặc dù trọng tâm của vụ án này là đưa ra nguyên tắc pháp lý để xác định dấu hiệu của tội “Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người” để từ đó phân biệt với tội “Giết người”, nhưng phần lập luận của quyết định cũng như mục “Khái quát nội dung của án lệ” và mục “Nội dung của án lệ” lại chỉ nói về việc xác định trách nhiệm của kẻ chủ mưu trong vụ án hình sự có đồng phạm. Tuy nhiên, tất cả những trình bày này cũng không đưa ra nguyên tắc pháp lý của vụ việc. Nếu đọc kỹ thì có thể rút ra nguyên tắc pháp lý đó là: “Trong trường hợp người thực hiện tội phạm thực hiện hành vi phạm tội vượt quá ý muốn của người chủ mưu thì người chủ mưu không phải chịu trách nhiệm về hành vi vượt quá của người thực hiện tội phạm”. Tuy nguyên tắc này lần đầu tiên được quy định tại khoản 4 Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015, nhưng từ đầu những năm 1960 của thế kỷ trước, nguyên tắc này đã được trình bày trong các tài liệu giáo khoa của các trường cán bộ Tòa án và trường Kiểm sát và sau đó là trong giáo trình về hình sự của Khoa Luật Đại học Tổng hợp Hà Nội. Những người đã qua đào tạo pháp luật đều đã hiểu rõ nguyên tắc này. Vì vậy, nguyên tắc này không thể coi là “án lệ” trong vụ việc nêu trên được.

Từ những trình bày nêu trên, theo quan điểm của tôi, Án lệ số 01/2016/AL này chưa đáp ứng được đầy đủ những tiêu chí của một án lệ có giá trị.

User Rating: Be the first one !

Luật sư Online

Luật sư Online là quản trị viên của website Luật Online

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button