Với 429 đại biểu tán thành (đạt 89,75%), Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.
Báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo nghị quyết, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Chính phủ đã chỉnh sửa một số nội dung tiếp thu ý kiến đại biểu.

Đáng chú ý, về chính sách bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh, theo ông Thắng, đây là chủ trương rất đúng đắn của Đảng, Nhà nước nhằm đảm bảo minh bạch hóa hoạt động của hộ kinh doanh, tạo sự bình đẳng về chế độ thuế giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về việc đẩy mạnh triển khai thực hiện chính sách này, dự thảo nghị quyết đã điều chỉnh thời điểm áp dụng việc bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh từ ngày 1.1.2026, thay vì ngày 1.7.2026 như dự thảo trước đây.
Đồng thời, để giảm gánh nặng chi phí, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi số, dự thảo nghị quyết đã quy định nhà nước bố trí kinh phí để cung cấp miễn phí các nền tảng số, phần mềm kế toán dùng chung cho hộ kinh doanh.
Về việc làm rõ đối tượng điều chỉnh để bảo đảm bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, tương thích với điều ước quốc tế, để đảm bảo phù hợp với điều 51 của Hiến pháp 2013 về không phân biệt các thành phần kinh tế, bảo đảm tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước ta là thành viên; tránh vi phạm nguyên tắc về “đối xử quốc gia”.
Một số đối tượng cụ thể như doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo… có chính sách đặc thù riêng đã được quy định cụ thể tại các điều khoản của dự thảo nghị quyết.
Theo Bộ trưởng Thắng, những nội dung của Nghị quyết số 68-NQ/CP được thể chế hóa tại dự thảo nghị quyết, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, nghiên cứu các quan điểm, chủ trương. Đồng thời, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan, cũng như các luật đang được sửa đổi, bổ sung trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Nghị quyết cũng xác định một số cơ chế, chính sách có nội hàm đã rõ, đủ cụ thể, có tính cấp bách, cần tháo gỡ ngay, có tác động lớn đến niềm tin, hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân để thể chế ngay tại nghị quyết này.