
Yêu cầu phản tố là gì?
Hiện tại, kể cả Bộ luật tố tụng dân sự và các văn bản pháp luật khác chưa có định nghĩa rõ ràng về yêu cầu phản tố của bị đơn. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu rằng yêu cầu phản tố là việc bị đơn có yêu cầu phản bác lại yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn hoặc yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Tức xem như là một yêu cầu khởi kiện lại của bị đơn trong vụ án mà Toà án phải xem xét có chấp nhận hay không.
Quyền yêu cầu phản tố của bị đơn
Quyền yêu cầu phản tố của bị đơn đã được quy định tại khoản 1 Điều 200 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, theo đó ngoài việc phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.
Như vậy, trong vụ án dân sự ngoài trình bày ý kiến ra, bị đơn còn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.
Yêu cầu phản tố của bị đơn được chấp nhận trong trường hợp nào?
Theo khoản 2 Điều 200 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập được chấp nhận khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập;
b) Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập;
c) Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.
Yêu cầu phản tố được đưa ra từ thời điểm nào?
Tại khoản 3 Điều 200 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.
Pháp luật quy định yêu cầu phản tố của bị đơn phải được đưa ra trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc, giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hoà giải. Nếu sau thời điểm này, bị đơn sẽ không còn quyền đưa ra yêu cầu phản tố, Toà án sẽ không chấp thuận yêu cầu của bị đơn.
Tuy nhiên, cần lưu ý trong một số vụ án Toà án sẽ mở ra nhiều phiên họp khác nhau, cho nên bị đơn có quyền được đưa ra yêu cầu phản tố trước khi phiên họp cuối cùng được mở ra.
Mẫu đơn yêu cầu phản tố mới nhất, chính xác nhất
Hiện nay, chưa có văn bản pháp luật nào ban hành mẫu đơn yêu cầu phản tố. Do đó cần phải dựa theo quy định Điều 202 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có quy định “Thủ tục yêu cầu phản tố được thực hiện theo quy định của Bộ luật này về thủ tục khởi kiện của nguyên đơn”.
Như vậy, thủ tục đưa ra yêu cầu phản tố phản được thực hiện theo thủ tục khởi kiện của nguyên đơn từ Điều 189 cho đến Điều 196 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Nghĩa là bị đơn phải làm đơn yêu cầu phản tố bằng văn bản và gửi đến Toà án đang giải quyết vụ việc của mình.
Dưới đây, Luật Online xin gửi đến quý bạn đọc mẫu đơn yêu cầu phản tố chuẩn và đã được Toà án chấp thuận.

Tải đơn yêu cầu phản tố chuẩn: Tải về
Lưu ý: Khi làm đơn yêu cầu phản tố cần chú ý soạn rõ ràng, thật cụ thể yêu cầu của mình là gì thì phải nêu thật chi tiết. Đơn yêu cầu phản tố không cần trình bày nội dung dài dòng, vì bị đơn trong vụ án đã có bản trình bày ý kiến (bản tự khai) trước đó. Cho nên đơn yêu cầu phản tố cần làm ngắn gọn, súc tích.
Trên đây là nội dung phân tích về yêu cầu phản tố của bị đơn trong vụ án dân sự. Luật Online gửi đến quý bạn đọc mẫu đơn yêu cầu phản tố chuẩn đã được sử dụng trên thực tế. Nếu bạn đọc có yêu cầu tư vấn thêm hay cần soạn thảo đơn yêu cầu phản tố xin liên hệ qua form tư vấn của chúng tôi “tại đây“.