Đề thi và đáp án tập sự Công chứng viên lần thứ 5
Đề thi và đáp án tập sự Công chứng viên lần thứ 5

Dưới đây là nội dung đề thi và đáp án tập sự Công chứng viên lần thứ 5 (mang tính chất tham khảo).

BỘ TƯ PHÁP
HỘI ĐỒNG KIỂM TRA KẾT QUẢ TẬP SỰ
HÀNH NGHỀ CÔNG CHỨNG LẦN THỨ NĂM
——————-

ĐỀ KIỂM TRA VIẾT

Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; Pháp luật về công chứng, chứng thực và quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động công chứng
(Thời gian làm bài: 180 phút)

Phần 1: Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng (10 điểm)

Ông A đến Tổ chức hành nghề công chứng Z tại tinh Y yêu cầu công chứng hợp đồng bán nhà cho ông X. Ông A cho biết mình chưa từng kết hôn với ai nhưng không muốn mất thời gian đi xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Công chứng viên khẳng định mình sẽ chủ động thực hiện việc xác minh nội dung này vì có nhiều mối quan hệ quen biết. Ông A đồng ý và sẵn sàng nộp thêm cho công chứng viên 05 triệu đồng chi phí xác minh. Đồng thời, ông A đề nghị trả trọn gói cho công chứng viên 30 triệu đồng tiền phí công chứng và giá dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng với điều kiện công chứng viên tư vấn cho ông cách thức soạn thảo hợp đồng với các điều khoản có lợi nhất cho mình. Công chứng viên đồng ý với đề nghị của ông A và chủ động đưa vào lời chứng nội dung sau: “Hai bên cam đoan tự chịu trách nhiệm về tinh pháp lý của hợp đồng, không yêu cầu công chứng viên chịu trách nhiệm trước pháp luật về văn bản công chứng và bồi thường thiệt hại (nếu xảy ra)”. Khi bên mua đến ký hợp đồng mua bán, công chứng viên thông báo hợp đồng đã được soạn theo mẫu chung của các tổ chức hành nghề công chứng tại tỉnh Y, không giải thích gì thêm và yêu cầu bên mua ký luôn vào hợp đồng.
Căn cứ vào Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng ban hành kèm theo Thông tư số 11/2012/TT-BTP ngày 30/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Anh/Chị hãy chỉ ra những vi phạm trong tình huống nêu trên.

Phần II. Pháp luật về công chứng, chứng thực và quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động công chứng (90 điểm)

Dữ kiện chung:

Ông An có 04 người con trai là Minh, Nam, Long và Phước đều trên 18 tuổi. Ông An chỉ có tài sản riêng duy nhất là 01 ngôi nhà 04 tầng trong Dự án nhà ở thương mại “Nhà mơ tại huyện L, thành phố H (nhà đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất vào tháng 5/2015).

Ngày 24/5/2024, ông An bị tai nạn giao thông nghiêm trọng và được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Trong tình trạng tính mạng của ông An đang bị đe dọa, anh Minh đến Tổ chức hành nghề công chứng T tại thành phố H đề nghị công chứng di chúc của ông An tại bệnh viện. Công chứng viên từ chối với lý do ông An không tự mình yêu cầu công chứng, hơn nữa anh Minh chỉ xuất trình được bản chính giấy chứng minh nhân dân của ông An và không có bất kỳ loại giấy tờ nào khác; đồng thời hướng dẫn anh Minh về bệnh viện thực hiện theo trình tự lập di chúc miệng có xác nhận của bệnh viện là đảm bảo di chúc được lập hợp pháp.

Câu hỏi 1 (10 điểm)
Anh/Chị hãy nhận xét về cách giải quyết của công chứng viên trong tình huống nêu trên? Giải thích và nêu rõ căn cứ pháp lý.

Câu hỏi 2 (15 điểm)
Sau khi hồi phục sức khỏe, ông An muốn lập một bản di chúc để định đoạt ngôi nhà của mình như sau: (1) Anh Minh được hưởng tầng 1 của ngôi nhà; (2) Tầng 2 của ngôi nhà được tặng cho ông Quân là bạn chiến đấu cũ của ông An; (3) Tầng 3 của ngôi nhà dùng vào việc thờ cúng và chỉ định anh Nam là người quản lý toàn bộ di sản; (4) Anh Phước được sử dụng tầng 4 của ngôi nhà trong thời hạn 20 năm; (5) Anh Long và anh Minh mỗi người có trách nhiệm trả 1/2 khoản nợ 500 triệu đồng mà ông An đang vay ngân hàng; (6) Những người thừa kế chỉ được tiến hành phân chia di sản do ông An để lại sau khi ông An chết ít nhất là 03 năm.
Nếu là công chứng viên, Anh/Chị sẽ giải quyết yêu cầu công chứng của ông An như thế nào? Giải thích và nêu rõ cơ sở pháp lý.

Câu hỏi 3 (15 điểm)
Do cần tiền, ông An muốn bán ngôi nhà của mình cho ông John Tyson, quốc tịch Hoa Kỳ (có vợ là bà Mai, là công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam). Công chứng viên đồng ý công chứng với điều kiện ông An phải hủy bỏ bản di chúc mà ông đã lập trước đó đối với ngôi nhà này.
Theo Anh/Chị, việc công chứng viên yêu cầu ông An hủy bỏ di chúc có đúng không? Hãy hướng dẫn hồ sơ để giải quyết yêu cầu công chứng trong trường hợp thực hiện được việc mua bán. Giải thích và nêu rõ cơ sở pháp lý.

Câu hỏi 4 (15 điểm)
Do việc mua bán với ông John Tyson không thành, ngày 11/12/2024, ông An quyết định thế chấp ngôi nhà nêu trên tại Chi nhánh X của Ngân hàng thương mại cổ phần Z (sau đây gọi là Ngân hàng Z) với một số điều khoản cơ bản của hợp đồng thế chấp như sau: (1) Nghĩa vụ được bảo đảm là toàn bộ khoản nợ của ông An tại Ngân hàng Z từ ngày 01/6/2024 đến ngày 31/12/2025;

(2) Thời hạn thế chấp được xác định từ khi hợp đồng thế chấp được công chứng cho đến hết ngày 01/01/2026; (3) Trong thời hạn thế chấp, việc ông An cho thuê, bán ngôi nhà chỉ được thực hiện khi có văn bản đồng ý của Ngân hàng Z; (4) Bằng hợp đồng thế chấp này, ông An uỷ quyền luôn cho Ngân hàng Z được toàn quyền bán ngôi nhà nếu ông An vi phạm nghĩa vụ trả nợ; (5) Trong trường hợp phải xử lý tài sản bảo đảm, nếu giá trị ngôi nhà không đủ để thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì Ngân hàng Z được lựa chọn xử lý bất kỳ tài sản nào khác của ông An để thu hồi nợ.
Nếu là công chứng viên, Anh/Chị có chấp nhận các nội dung của hợp đồng thể chấp nêu trên hay không? Giải thích và nêu rõ cơ sở pháp lý.

Câu hỏi 5 (15 điểm)
Trong thời hạn thế chấp, ông An đến Tổ chức hành nghề công chứng Y trình bày nguyện vọng muốn bổ sung di chúc đã lập trước đó như sau: Trong mọi trường hợp cụ Hoàng (bố đẻ ông An) không được hưởng di sản với lý do cụ Hoàng thường xuyên uống rượu, đánh đập vợ. Công chứng viên của Tổ chức hành nghề công chứng Y đã hướng dẫn ông An phải quay lại Tổ chức hành nghề công chứng X nơi đã công chứng di chúc; khi đó ông An chỉ cần xuất trình bản chính di chúc đã được công chứng vì ở đây đã lưu trữ hồ sơ công chứng di chúc ban đầu của ông An.
Khi ông An quay về Tổ chức hành nghề công chứng X, công chứng viên tại đây cho rằng không thể bổ sung nội dung di chúc như ông An muốn vì cụ Hoàng là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc.
Theo Anh/Chị, nội dung hướng dẫn của các công chứng viên trong tình huống nêu trên có phù hợp với quy định của pháp luật không? Giải thích và nêu rõ cơ sở pháp lý.

Câu số 6 (20 điểm)
Căn cứ vào dữ kiện chung của Phần II, Anh/Chị hãy soạn thảo nội dung cơ bản của văn bản công chứng phù hợp với tình huống nêu tại Câu hỏi 2 hoặc Câu hỏi 4 theo phương án giải quyết của mình.
(Thí sinh được sử dụng các văn bản quy phạm pháp luật (văn bản chỉ gồm nội dung các quy phạm pháp luật, không có nội dung bình luận, giải thích hoặc nội dung khác kèm theo), trừ các văn bản sau đây: Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; các biểu mẫu, mẫu lời chứng ban hành kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BTP; các mẫu hợp đồng, giao dịch dưới bất kỳ hình thức nào).


ĐÁP ÁN ĐỀ THI TẬP SỰ CÔNG CHỨNG VIÊN LẦN 5 (THAM KHẢO)

 

Phần 1: Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng

(Lưu ý yêu cầu của đề: Chủ yếu yêu cầu Căn cứ vào Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng)
– Hành vi 1: Công chứng viên (CCV) hứa sẽ chủ động xác minh nội dung tình trạng hôn nhân vì có nhiều mối quan hệ quen biết:
+ Hành vi này vi phạm khoản 6 Điều 9 Thông tư 11/2012/TT-BTP, đó là “đưa ra những lời hứa hẹn nhằm lôi kéo người yêu cầu công chứng”. Việc CCV chủ động là không đúng với quy định tại khoản 5 điều 40 Luật công chứng 2014, “ccv xác minh theo đề nghị của người yêu cầu công chứng”. Nên việc CCV chủ động và hứa hẹn này là hành vi hứa hẹn, lôi kéo.
+ Thỏa thuận nộp 5 triệu đồng chi phí xác minh. Hành vi này không tìm thấy hành vi vi phạm trong Thông tư 11/2012/TT-BTP. Mặt khác nó phù hợp với quy định tại điều 68 luật công chứng 2014 về chi phí khác, mức phí này do tổ chức hành nghề công chứng và người yêu cầu công chứng thỏa thuận.
– Hành vi 2: Trả trọn gói 30 triệu phí công chứng và phí giá dịch vụ liên quan theo yêu cầu.
Hành vi này vi phạm khoản 2 điều 9 Thông tư 11/2012/TT-BTP, đó là “nhận một khoản tiền ngoài phí công chứng, thủ lao công chứng, và chi phí khác đã được thỏa thuận” Theo quy định tại khoản 1 điều 68 Luật công chứng 2014 thì chi phí khác chỉ bao gồm: phí xác minh, phí giám định, hoặc phi ký ngoài trụ sở. Ngoài ra không còn phí dịch vụ khác liên quan.
– Hành vi 3: việc đưa vào lời chứng nội dung “Hai bên cam đoan tự chịu trách nhiệm về tinh pháp lý của hợp đồng, không yêu cầu công chứng viên chịu trách nhiệm trước pháp luật về văn bản công chứng và bồi thường thiệt hại (nếu xảy ra)”:
+ Vi phạm nguyên tắc hành nghề công chứng quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư 11/2012/TT-BTP “Chịu trách nhiệm trước pháp luật về văn bản công chứng, bồi thường thiệt hại do lỗi của mình trong trường hợp việc công chứng dẫn đến thiệt hại cho người yêu cầu công chứng”.
+ Hành vi sử dụng lời chứng không đúng quy định cũng vi phạm quy định tại Nghị định 82/2020/NĐ-CP xử phạt trong lĩnh vực công chứng và quy định tại khoản 3 điều 24 Thông tư 01/2021/TT-BTP: “Công chứng viên không được đưa vào lời chứng những nội dung nhằm trốn tránh, giảm bớt trách nhiệm của mình hoặc nội dung vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội.”, cho nên hành vi này cũng vi phạm khoản 1 Điều 2 Thông tư 11/2012/TT-BTP về việc CCV phải tuân thủ quy định pháp luật.
– Hành vi 4: CCV không giải thích cho bên mua
Hành vi này vi phạm khoản 3 Điều 5 Thông tư 11/2012/TT-BTP, về trách nhiệm nghề nghiệp của CCV. Theo đó CCV phải có “nghĩa vụ” giải thích cho người yêu cầu công chứng về quyền, nghĩa vụ, hậu quả pháp lý, ….

Phần 2: Pháp luật về công chứng, chứng thực và quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động công chứng

Câu hỏi 1:
– Ông An phải tự mình yêu cầu công chứng: Theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật công chứng 2014 thì người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc là chính xác.
Tuy nhiên, CCV từ chối công chứng di chúc trong trường hợp này là không đúng. Bởi vì CCV cho rằng trường hợp này ông An không tự mình yêu cầu công chứng là sai. Trường hợp này Anh Minh là người đưa hồ sơ và truyền thông tin, chứ không thể xác định Anh Minh là người yêu cầu công chứng được.
Trường hợp này nếu đến bệnh viện và xác nhận ông An đúng là có yêu cầu công chứng di chúc thì vẫn hợp lý. Cách xử lý này cũng phù hợp với “trách nhiệm nghề nghiệp” của CCV được quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 11/2012/TT-BTP.
– Chỉ xuất trình chứng minh nhân dân của ông An: Từ chối công chứng bởi lý do này là sai, vì khoản 2 Điều 56 Luật công chứng 2014 đã quy định “Trường hợp tính mạng người lập di chúc bị đe dọa thì người yêu cầu công chứng không phải xuất trình đầy đủ giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này nhưng phải ghi rõ trong văn bản công chứng”.
– CCV hướng dẫn di chúc miệng có xác nhận của bệnh viện sẽ hợp pháp là sai: Điều kiện để di chúc miệng hợp pháp là theo khoản 5 Điều 630 BLDS 2015, theo đó: “di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất 2 người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên. Trong vòng 5 ngày làm việc thì di chúc miệng phải được ccv hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng”.

Câu hỏi 2:
(1) Anh Minh được hưởng tầng 1 của ngôi nhà:
Nội dung này phù hợp với quy định tại điều 624 BLDS 2015 “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”, khoản 2 điều 626 BLDS 2015 về “phân định phần di sản cho từng người thừa kế”.
(2) Tầng 2 ngôi nhà tặng cho ông Quân (bạn của ông An):
Nội dung này phù hợp với quy định tại khoản 3 điều 626 BLDS 2015 “dành một phần trong khối di sản để di tặng” và quy định tại Điều 646 BLDS 2015.
(3) Tầng 3 được dùng vào việc thờ cúng và chỉ định Anh Nam là người quản lý toàn bộ di sản:
– Nội dung tầng 3 được dùng vào việc thờ cúng: Nội dung này phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 626 BLDS 2015 về việc “dành một phần trong khối di sản để thờ cúng” và quy định tại Điều 645 BLDS 2015  về “Di sản dùng vào việc thờ cúng”.
– Chỉ định Anh Nam là người quản lý toàn bộ di sản: Phù hợp với quy định tại khoản 5 Điều 626 BLDS 2015 về quyền của người lập di chúc, được “chỉ định người quản lý di sản” và phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 616 BLDS 2015 “Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra”.
(4) Anh Phước được sử dụng tầng 4 của ngôi nhà trong thời hạn 20 năm:
Nội dung này phù hợp với quy định tại khoản 2 điều 631 BLDS 2015 “di chúc có thể có các nội dung khác”. Mặt khác phù hợp với quy định tại Điều 257 BLDS 2015 về “quyền hưởng dụng” và quy định tại Điều 258 BLDS 2015 quy định về “căn cứ xác lập quyền hưởng dụng” trong đó quy định quyền hưởng dụng được xác lập theo di chúc.
(5) Anh Long và Anh Minh mỗi người có trách nhiệm trả 1/2 khoản nợ mà ông An đang vay ngân hàng:
Nội dung này không phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 624, khoản 4 Điều 626 và Điều 615 BLDS 215 thì mặc dù người lập di chúc có quyền giao nghĩa vụ cho người thừa kế, tuy nhiên nghĩa vụ đó phải gắn liền với di sản để lại. Trong trường hợp này ông An yêu cầu anh Long và Anh Minh thực hiện nghĩa vụ trả nợ tại ngân hàng mà không liên quan đến di sản để lại, nên nội dung này là không phù hợp với quy định của pháp luật.
(6) Những người thừa kế chỉ được tiến hành phân chia di sản do ông An để lại sau khi ông An chết được 03 năm:
Nội dung này phù hợp với quy định tại điều 661 BLDS 2015 về “Hạn chế phân chia di sản”, cụ thể như sau: 
“Trường hợp theo ý chí của người lập di chúc hoặc theo thỏa thuận của tất cả những người thừa kế, di sản chỉ được phân chia sau một thời hạn nhất định thì chỉ khi đã hết thời hạn đó di sản mới được đem chia.
Trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định. Thời hạn này không quá 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn 03 năm mà bên còn sống chứng minh được việc chia di sản vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gia đình họ thì có quyền yêu cầu Tòa án gia hạn một lần nhưng không quá 03 năm”.

Câu hỏi 3:
– Yêu cầu hủy bỏ di chúc mới thực hiện việc mua bán: Yêu cầu này là sai vì:
+ Theo quy định tại khoản 1 Điều 643 BLDS 2015 thì di chúc có hiệu lực kể từ thời điểm mở thừa kế.
+ Theo quy định tại khoản 1 Điều 611 BLDS 2015 thì thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết.
Tại thời điểm mua bán này thì ông An chưa chết, nên di chúc chưa có hiệu lực, vì vậy không bắt buộc phải hủy bỏ di chúc. Vì nó không thuộc các điều kiện tham gia giao dịch của nhà ở (quy định tại Điều 160 Luật nhà ở 2023).
– Hướng dẫn hồ sơ để giải quyết yêu cầu công chứng trong trường hợp thực hiện được việc mua bán:
+ Phiếu yêu cầu công chứng
+ Dự thảo hợp đồng (nếu có)
+ Bên bán: (bản sao – xuất trình bản chính khí ccv ký)

  • Giấy chứng nhận nhà ở
  • Giấy tờ tùy thân
  • Giấy tờ chứng minh nơi cư trú
  • Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân hoặc giấy tờ chứng minh Tài sản riêng của ông An

+ Bên mua: (bản sao – xuất trình bản chính khi ccv ký)

  • Giấy tờ tùy thân 2 vợ chồng, đối với ông John thì phải có Hộ chiếu (có đóng dấu được phép nhập cảnh) hoặc giấy tờ pháp lý tương đương nhập cảnh vào Việt Nam
  • Đăng ký kết hôn của 2 vợ chồng, nếu kết hôn ở Mỹ thì cần trích lục ghi chú kết hôn
  • Giấy cam kết không thuộc đối tượng miễn trừ ngoại giao của John
  • Danh mục khu vực và số lượng nhà ở mà cá nhân nước ngoài được phép sở hữu
  • Giấy tờ chứng minh nơi cư trú

+ Căn cứ pháp luật của các giấy tờ này:

  • Điều 40, Điều 41 Luật công chứng 2014
  • Điều 8 Luật nhà ở 2023
  • Điều 3 Nghị định 95/2024 hướng dẫn Luật nhà ở 2023
  • Điều 35, Điều 43 Luật hôn nhân và gia đình 2014
  • Điều 34 Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch 2014

Câu hỏi 4:

(1) Nghĩa vụ được bảo đảm là toàn bộ khoản nợ của ông An tại Ngân hàng Z từ ngày 01/6/2024 đến ngày 31/12/2025:

Nội dung này là không phù hợp với quy định tại Khoản 2 Điều 293 BLDS 2015 về phạm vi nghĩa vụ bảo đảm. Theo quy định thì phạm vi nghĩa vụ bảo đảm là nghĩa vụ hiện tại, tương lai hoặc nghĩa vụ có điều kiện.

Ở đây thời điểm thế chấp là ngày 11/12/2024, nhưng lại đảm bảo nghĩa vụ trong quá khứ ngày 01/06/2024 là không phù hợp với quy định của pháp luật. Nội dung này cần sửa lại cho phù hợp.

(2) Thời hạn thế chấp được xác định từ khi hợp đồng thế chấp được công chứng cho đến hết ngày 01/01/2026:

Nội dung này phù hợp với quy định tại:

+ Điều 319 BLDS 2015 về hiệu lực của hợp đồng thế chấp tài sản.

+ Khoản1 Điều 22 Nghị định 21/2021/NĐ-CP.

+ Khoản 1 Điều 164 Luật nhà ở 2023.

+ Khoản 1 Điều 5 Luật công chứng 2014.

+ Điều 144 BLDS 2015 về thời hạn.

+ Phù hợp với nguyên tắc tự do thỏa thuận trong khuôn khổ pháp luật quy định tại khoản 2 Điều 3 BLDS 2015 về nguyên tắc cơ bản của BLDS.

(3) Trong thời hạn thế chấp, việc ông An cho thuê, bán ngôi nhà chỉ được thực hiện khi có văn bản đồng ý của Ngân hàng Z:

– Bản ngôi nhà phải có sự đồng ý của ngân hàng Z: Thỏa thuận này phủ hợp với quy định tại khoản 5 Điều 321 BLDS 2015.

– Cho thuê phải có văn bản đồng ý của ngân hàng: Thỏa thuận này là phù hợp, mặc dù khoản 6 Điều 321 BLDS 2015 quy định chỉ cần thông báo cho bên nhận thế chấp biết. Tuy nhiên theo nguyên tắc tự do thỏa thuận quy định tại khoản 2 Điều 3 BLDS 2015 về nguyên tắc cơ bản của BLDS thì nội dung này là phù hợp vì hai bên đã thỏa thuận.

(4) Bảng hợp đồng thế chấp này, ông An uỷ quyền luôn cho Ngân hàng Z được toàn quyền bán ngôi nhà nếu ông An vi phạm nghĩa vụ trả nợ:

Nội dung này là không phù hợp:

+ Thứ nhất, các phương thức xử lý tài sản được quy định cụ thể tại Điều 303 BLDS 2015

+ Thứ hai, khi thế chấp, thì quyền xử lý tài sản thuộc về bên nhận thế chấp khoản 7 Điều 323 BLDS 2015.

Từ những căn cứ trên, việc ông An ủy quyền luôn cho ngân hàng bán ngôi nhà nêu trên là không phù hợp, vì lúc này quyền xử lý tài sản thuộc về bên ngân hàng, trong hợp đồng thế chấp các bên nên thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản, việc đưa chế định ủy quyền vào hợp đồng thế chấp là không phủ hợp.

(5) Trong trường hợp phải xử lý tài sản bảo đảm, nếu giá trị ngôi nhà không đủ để thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì Ngân hàng Z được lựa chọn xử lý bất kỳ tài sản nào khác của ông An để thu hồi:

Thỏa thuận này là không phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 305 BLDS 2015 và không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 295 BLDS 2015, quy định tài sản bảm đảm phải xác định cụ thể. Và không phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 5 Luật công chứng 2014 về tính xác thực của văn bản công chứng.

Câu hỏi 5:

– CCV của tổ chức hành nghề công chứng Y hướng dẫn vậy là không đúng. Vì khoản 3 Điều 56 luật công chứng 2014 quy định nếu sửa đổi thì thì có thể yêu cầu bất kỳ công chứng viên nào công chứng việc sửa đổi. Nếu có lưu giữ di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng khác thì chỉ cần thông báo cho tổ chức đó biết.

– CCV của tổ chức hành nghề công chứng X từ chối nội dung yêu cầu sửa đổi di  chúc của ông An là sai. Vì nội dung của di chúc phù hợp với các quy định tại điều 624, khoản 1 Điều 626, điểm b khoản 1 Điều 630 BLDS 2015.

Câu hỏi 6:

– Trường hợp soạn Di chúc, cần lưu ý để tránh bị trừ điểm:

+ Nội dung di chúc không soạn ý: (5) Anh Long và anh Minh mỗi người có trách nhiệm trả 1/2 khoản nợ 500 triệu đồng mà ông An đang vay ngân hàng”.

 + Thời gian trong lời chứng (cụ thể là giờ): “Không lấy vào buổi chiều ngày thi vì đó là chiều thứ 7 mà lấy giờ buổi sáng”.

– Trường hợp soạn Hợp đồng thế chấp, cần lưu ý để tránh bị trừ điểm:

+ Nội dung thế chấp ngoài các nội dung cơ bản ghi thêm nội dung: “(2) Thời hạn thế chấp được xác định từ khi hợp đồng thế chấp được công chứng cho đến hết ngày 01/01/2026; (3) Trong thời hạn thế chấp, việc ông An cho thuê, bán ngôi nhà chỉ được thực hiện khi có văn bản đồng ý của Ngân hàng Z”

User Rating: 5 ( 1 votes)

Luật sư Online

Luật sư Online là quản trị viên của website Luật Online

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button