TỔNG HỢP ĐỀ THI TẬP SỰ LUẬT SƯ – KINH DOANH THƯƠNG MẠI
2014 – 2022
————–

Tổng hợp đề thi tập sự luật sư từ 2014 đến 2022 phần Kinh doanh thương mại
Tổng hợp đề thi tập sự luật sư từ 2014 đến 2022 phần Kinh doanh thương mại

ĐỀ THI LUẬT SƯ TẬP SỰ KDTM
ĐỢT 01/2022

(Thời gian làm bài kiểm tra: 180 phút)
1. Công ty Clear Vietnam (CV) là nhà cung cấp máy in máy nhãn hiệu Clear. Công ty Sao Sáng (Sao Sáng) là một trong các nhà phân phối của CV tại thị trường Việt Nam theo Hợp đồng nhà phân phối.

2. Công ty Sách Truyện (Sách Truyện) có nhu cầu mua máy in để in sách truyện nên đã liên hệ với Sao Sáng để đặt hàng. Ngày 09/10/2014, Sao Sáng đã đặt hàng mua máy Clear C1100 và sau đó thanh toán đầy đủ tiền cho CV. CV đã bán máy và xuất hóa đơn tài chính cho Sao Sáng.

3. Ngày 09/11/2014, Sao Sáng đã ký hợp đồng bán máy C1100 nêu trên cho Sách Truyện với giá 3 tỷ VND.

4. Tháng 02/2015, CV có đợt khuyến mãi lớn, giá máy C1100 giảm còn 50% so với giá mà Sách Truyện đã mua. Lúc này, Sách Truyện không hài lòng vì giá thành từng trang in của mình quá cao, không thể cạnh tranh được. Vì vậy, Sách Truyện đề nghị Sao Sáng giảm 50% giá mà mình đã mua. Đồng thời, Sách Truyện cũng khiếu nại rằng máy in có xuất xứ từ Trung Quốc trong khi Hợp đồng lại quy định nguồn gốc hàng hóa là Nhật Bản. Sao Sáng không đồng ý giảm giá.

5. Trước khi ký Hợp đồng với Sách Truyện, Sao Sáng đã cung cấp Bản giới thiệu sản phẩm ghi rõ hàng sản xuất tại Trung Quốc hoặc Nhật Bản. Trên bao bì máy và hồ sơ sản phẩm cung cấp cho Sách Truyện khi giao hàng cũng ghi rõ là hàng sản xuất tại Trung Quốc, và trên nhãn hàng hoá (phía sau máy) cũng ghi sản xuất tại Trung Quốc. Sách Truyện không có khiếu nại gì về xuất xứ hàng hóa.

6. CV cũng xác nhận rằng loại máy C1100 không còn sản xuất tại Nhật Bản nữa, mặc dù các linh kiện điện tử quan trọng nhất của máy thì vẫn sản xuất tại Nhật Bản và CV chỉ có trách nhiệm bảo hành của nhà sản xuất đối với chất lượng máy C1100. Trước đó, CV hoàn toàn không có liên hệ với Sách Truyện hay biết thì hợp đồng, giao dịch giữa Sao Sáng và Sách Truyện.

7. Sách Truyện cho rằng người bị lừa dối trong việc mua máy in nói trên, nên hợp đồng là vô hiệu. Do đó, Sách Truyện đã gửi Văn bản cho cả Sao Sáng và CV, yêu cầu Sao Sáng phải nhận lại máy và bồi thường thiệt hại do cho Sách Truyện, đồng thời yêu cầu CV phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại vì trong hợp đồng phân phối với Sao Sáng, CV cũng cam kết chịu trách nhiệm về chất lượng và bảo hành sản phẩm.

Câu hỏi 1: Là luật sư của Sao Sáng, anh/chị yêu cầu Sao Sáng cần cung cấp những tài liệu gì để tư vấn cho Sao sáng đối với yêu cầu của Sách TRuyện.

Câu hỏi 2: Sách Truyện cho rằng Hợp đồng giữa Sách Truyện và Sao Sáng vô  hiệu do bị lừa dối. Là luật sư của Sao Sáng, anh/chị hãy tư vấn cho họ những ý kiến để phản bác lại Sách Truyện.

Câu hỏi 3: Vì cho rằng hợp đồng vô hiệu nên Sách Truyện yêu cầu CV phải liên đới bồi thường số tiền mua máy cho Sách Truyện. Là luật sư của Sao sáng, đồng thời cũng là luật sư của CV, anh/chị hãy nêu các nội dung chủ yếu trong Văn bản của CV trả lời Sách Truyện?

(Thí sinh được sử dụng các văn bản quy phạm pháp luật)
————————–

ĐỀ THI LUẬT SƯ TẬP SỰ KDTM
ĐỢT 01/2021

(Thời gian làm bài kiểm tra: 180 phút)
Công ty Bách là công ty phát triển khu công nghiệp Beta, tỉnh Q, Việt Nam. Ngày 16/5/2009, Công ty Tùng và Công ty Bách ký kết Hợp đồng thuê đất số 126 (sau đây gọi là “Hợp đồng thuê đất”), với nội dung Công ty Bách cho Công ty Tùng thuê lô đất 05 ha để xây dựng nhà máy phân đạm, thời hạn thuê lô đất là 50 năm, giá thuê đất là 8.240.000 USD cho toàn bộ thời hạn thuê, thanh toán bằng đồng Việt Nam. Nếu bên thuê chậm thanh toán thì phải chịu lãi suất quá hạn là 13%/năm. Công ty Tùng phải trả tiền thuê đất theo nhiều đợt cho toàn bộ thời hạn thuê. Đợt cuối cùng (đợt 7) là ngày 27/4/2014. Đồng thời, Công ty Bách hỗ trợ Công ty Tùng làm thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng cho lô đất thuê.

Nhà máy đã xây dựng xong và đi vào hoạt động từ năm 2013. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn nên đến đầu năm 2015 thì nhà máy đã ngưng hoạt động Đến thời điểm ngưng hoạt động. Công ty Tùng đã thanh toán 95% tiền thuê đất. Công ty Bách đã nhiều lần yêu cầu Công ty Tùng thanh toán 5% số tiền còn lại (đợt 7) nhưng Công ty Tùng không chịu thanh toán, với lý do là Công ty Bách không hỗ trợ mình để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho lô đất thuế.

Ngày 27/4/2016, Công ty Bách yêu cầu Công ty Tùng thanh toán 5% tiền thuê đất còn lại và lãi chậm trả với lãi suất 13%/năm. Cụ thể như sau;
– Nợ gốc: 9.180.187.500 đồng (tương đương với 412.500,00 USD theo tỷ giá: 22.255 VND/USD của Vietcombank ngày 31/3/2016). Đây là số nợ gốc còn lại bằng 5% giá trị hợp đồng (đợt 7).
– Tiền lãi chậm trả cho 02 năm, với lãi suất 13%/năm là 2.386.848.750 đồng.

Công ty Tùng không đồng ý thanh toán 5% này vì cho rằng Công ty Bách chưa thực hiện nghĩa vụ hỗ trợ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho lô đất thuê (chưa cung cấp trích lục bản đồ).
Giả sử rằng lãi suất cho vay trên thị trường đối với VND là 9 – 10%/năm, lãi suất cho vay đối với USD là 4%/năm.

Là luật sư tư vấn cho Công ty Bách:
Câu hỏi 1: Anh/Chị sẽ yêu cầu khách hàng cung cấp những thông tin, tài liệu gì? Sau khi nhận được các thông tin đó, anh/chị cần phân tích và đánh giá những nội dung pháp lý nào?

Câu hỏi 2: Theo anh/chị, hợp đồng giữa Công ty Tùng và Công ty Bách quy định giá tiền thuê bằng USD, thanh toán bằng VNĐ có bị coi là vô hiệu không?

Câu hỏi 3: Theo anh/chị, việc Công ty Tùng không chịu thanh toán tiền đợt 7 với lý do Công ty Bách không hỗ trợ mình để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho lô đất có căn cứ không? Vì sao?

Câu hỏi 4: Theo anh/chị, các bên thỏa thuận trong Hợp đồng mức lãi suất chậm trả 12%/năm có phù hợp với quy định pháp luật không? Vì sao?

(Thí sinh được sử dụng các văn quy phạm pháp luật)
———————–

ĐỀ THI LUẬT SƯ TẬP SỰ KDTM
 ĐỢT 01/2020

(Thời gian làm bài kiểm tra: 180 phút)
Ông Nguyễn Văn A (Ông A) là người có quốc tịch Việt Nam. Ông A thành lập một công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên tại Thành phố Hồ Chí Minh (Công ty B) có vốn điều lệ 07 tỷ đồng và đăng kí ngành nghề kinh doanh là hoạt động tư vấn quản lý (Mã ngành:7020). Ông A muốn đầu tư, xây dựng và phát triển một dự án Tổ hợp trung tâm thương mại – văn phòng – chung cư cao cấp (Dự án BĐS) trên một khu đất nằm ngoài khu công nghiệp có diện tích 1,98 héc ta tại Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh (Khu đất) với tổng vốn đầu tư dự kiến 250 tỷ đồng. Mục đích sử dụng đất của khu đất hiện tại chưa phù hợp để phát triển Dự án BĐS.
Câu hỏi 1: Anh/Chị hãy tư vấn: Ông A có thể sử dụng Công ty B để đầu tư xây dựng và phát triển Dự án BĐS này được không?
Nếu có thì công ty B phải đáp ứng điều kiện nào và cần làm thủ tục gì liên quan đến ngành nghề kinh doanh, vốn, năng lực tài chính và ký quỹ để thực hiện Dự án BĐS?
Tình tiết bổ sung: Ngay sau khi hoàn tất các thủ tục để được quyền đầu tư Dự án BĐS tại khu đất nêu trên, Công ty B có nhu cầu huy động thêm vốn để thực hiện Dự án BĐS. Do đó, Phòng kế hoạch của Công ty B đề xuất hai phương án huy động vốn như sau: (1) tiến hành mở bán các căn hộ chung cư thuộc Dự án BĐS và thu tiền mua nhà từ người mua căn hộ với trị giá lần đầu là 40% giá mua căn hộ; (2) đi vay một quỹ đầu tư tại nước ngoài.
Câu hỏi 2: Anh/Chị hãy tư vấn cho ban lãnh đạo Công ty B về tính khả thi của hai phương án nêu trên. Ngoài hai phương án này, anh/chị hãy đề xuất thêm cho công ty B các phương án huy động vốn khác được phép và điều kiện để thực hiện phương án huy động vốn mà anh chị đề xuất.

(Thí sinh được sử dụng các văn bản pháp luật)
————————

ĐÁP ÁN ĐỀ THI LUẬT SƯ TẬP SỰ KDTM
ĐỢT 1/2020

Câu hỏi & nội dung trả lời Điểm
Câu hỏi 1. Anh/ Chị hãy tư vấn: Ông A có thể sử dụng Công ty B để đầu tư, xây dựng và phát triển Dự án BĐS này được không?
Nếu có thì Công ty B phải đáp ứng điều kiện nào và cần làm thủ tục gì liên quan đến ngành nghề kinh doanh, vốn, năng lực tài chính và ký quỹ để thực hiện Dự án BĐS?
2,0
– Công ty B hiện chưa đủ điều kiện để đầu tư, xây dựng và phát triển Dự án BĐS. 0,25
– Các điều kiện, thủ tục đáp ứng để thực hiện Dự án BĐS:
+ Ngành nghề kinh doanh:
Nếu ông A muốn sử dụng công ty B để đầu tư, xây dựng và phát triển dự án BĐS thì công ty B phải bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh và tăng vốn điều lệ để đáp ứng điều kiện kinh doanh BĐS.
0,25
Công ty B cần phải thông báo thay đổi ngành nghề kinh doanh thông qua việc bổ sung ngành nghề “kinh doanh bất động sản, quyển sử dụng đất thuộc quyền chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê” (mã ngành 6810). 0,25
+ Vốn pháp định:
Theo khoản 1 Điều 10 Luật kinh doanh bất động sản 2014, Công ty B phải có vốn điều lệ tối thiểu 20 tỷ đồng để kinh doanh BĐS.
0,25
+ Năng lực tài chính:
Theo điểm a khoản 2 Điều 14 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, vốn thuộc sở hữu để thực hiện dự án đầu tư không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 héc ta.
0,25
Do tổng vốn đầu tư dự kiến của Dự án BĐS là 250 tỷ đồng nên công ty B cần có vốn điều lệ tối thiểu là 50 tỷ đồng. 0,25
+ Ký quỹ:
Theo Điều 42 Luật Đầu tư 2014, công ty B phải kỹ quỹ để đảm bảo thực hiện dự án BĐS vì khu đất thuộc trường hợp phải chuyển mục đích sử dụng đất.
0,25
Theo khoản 3, khoản 4 Điều 27 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, mức ký quỹ để đảm bảo thực hiện dự án là 3% trên số vốn đầu tư 250 tỷ đồng (không bao gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nộp cho Nhà nước và chi phí xây dựng các công trình công cộng thuộc dự án đầu tư). 0,25
Câu hỏi 2. Anh/Chị hãy tư vấn cho ban lãnh đạo Công ty B về tính khả thi của hai phương án nêu trên. Ngoài hai phương án này, anh/chị hãy đề xuất thêm cho công ty B các phương án huy động vốn khác được phép và điều kiện để thực hiện phương án huy động vốn mà anh/ chị đề xuất. 3,0
ĐÁNH GIÁ TÍNH KHẢ THI CỦA 02 PHƯƠNG ÁN
Phương án 1:
Căn cứ khoản 3 Điều 69 Luật nhà ở 2014, công ty B được phép huy động vốn từ “ tiền mua, tiền thuê mua, tiền thuê, nhà ở trả trước theo hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai”, nhưng phải thoả mãn các điều kiện huy động vốn quy định tại điểm b khoản 2 Điều 19 Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở.
0,5
Các điều kiện cụ thể bao gồm:
+ Có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của toà nhà theo khoản 1 Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản 2014. 0,25
+ Sở Xây dựng phải có văn bản thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua hoặc sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ thông báo mà Sở Xây dựng không có trả lời cho Công ty B 0,25
Ngoài ra, Công ty B cần tuân thủ quy định về tiến độ thanh toán được quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật Kinh doanh bất động sản. Việc thanh toán trong mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai được thực hiện nhiều lần, trong đó:
+ Lần đầu không quá 30% giá trị hợp đồng;
+ Những lần tiếp theo phải phù hợp với tiến độ xây dựng BĐS nhưng tổng số các lần không quá 70% giá trị hợp đồng khi chưa bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng. Trường hợp chưa cấp sổ đỏ cho bên mua thì chỉ được thu tối đa 95% giá trị hợp đồng.
0,5
Phương án 2:
Vốn vay từ tổ chức nước ngoài không phải là một trong các nguồn vốn hợp pháp được phép huy động cho một dự án nhà ở theo Điều 69 Luật Nhà ở. Như vậy, phương án này không khả thi cho phần nhà ở; tuy nhiên, Công ty B có thể đi vay để thực hiện phần thương mại.
0,75
ĐỀ XUẤT THÊM PHƯƠNG ÁN KHÁC:
3 phương án huy động vốn khác mà công ty B có thể cân nhắc theo Điều 69 của Luật Nhà ở, bao gồm:
– Tăng vốn thuộc sở hữu của công ty B trong Dự án BĐS. Phương án này không giới hạn về điều kiện huy động vốn. 0,25
– Vốn vay từ tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính đang hoạt động tại Việt Nam. Phương án này không giới hạn về điều kiện huy động vốn nhưng phụ thuộc vào thoả thuận với ngân hàng. 0,25
– Vốn huy động thông qua hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Phương án này cần thoả mãn các điều kiện theo khoản 3 Điều 19 Nghị định 99/2015/NĐ-CP:
+ Đã có hồ sơ dự án đầu tư xây dựng nhà ở được phê duyệt;+ Dự án BĐS đã thực hiện xong giải phóng mặt bằng theo tiến độ thực hiện dự án được phê duyệt;
+ Đã có biên bản bàn giao mốc giới của Dự án BĐS;
+ Đã có thông báo đủ điều kiện được huy động vốn của Sở Xây dựng./.
0,25

ĐỀ THI LUẬT SƯ TẬP SỰ KDTM
ĐỢT 2/2019

Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Sunshine (“Công ty Sunshine”) được thành lập và đăng ký tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2015 và được sở hữu bởi 3 cổ đông cá nhân Việt Nam là ông A, ông B và ông C, trong đó, ông A sở hữu 65% tổng số cổ phần trong Công ty Sunshine. Công ty Sunshine đã đăng ký ngành nghề kinh doanh bất động sản và có vốn điều lệ 120 tỷ đồng. Công ty Sunshine được cấp phép hợp lệ để đầu tư, xây dựng và phát triển mọt dự án phức hợp khu trung tâm thương mại – văn phòng – chung cư cao cấp (“Dự án Sunshine” hoặc “Tòa nhà Sunshine”) trên khu đất với tổng diện tích đất là 20.000 m2 tại quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh (“Khu đất”). Công ty Sunshine thuê Khu đất từ Nhà nước với thời hạn thuê đất là 50 năm và Công ty Sunshine đã thanh toán tiền thuê đất một lần cho cả thời hạn thuê 50 năm. Tổng mức đầu tư dự kiến của Dự án Sunshine là 500 tỷ đồng.

Đầu năm 2017, do cần thêm vốn cho kịp tiến độ xây dựng Dự án Sunshine, ban lãnh đạo Công ty đề xuất phương án huy động thêm vốn bằng cách thu tiền trả trước của khách hàng mua các căn hộ chung cư thuộc Dự án Sunshine trước khi Công ty tiến hành xây dựng. Số tiền thu trước này là 50% tổng giá trị giá bán căn hộ sẽ bán cho khách hàng. Lưu ý, Công ty Sunshine đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Khu đất và đã xin được giấy phép xây dựng để xây dựng Dự án Sunshine.

Câu hỏi 1: Anh/Chị hãy tư vấn các điều kiện về vốn theo quy định của pháp luật hiện hành để Công ty Sunshine có thể thực hiện Dự án Sunshine.

Câu hỏi 2: Anh/Chị hãy tư vấn cho Công ty Sunshine về tính khả thi của phương án huy động vốn mà ban lãnh đạo Công ty Sunshine đề xuất ở trên và nêu cơ sở pháp lý.

Tình tiết bổ sung
Tháng 02 năm 2019, Dự án Sunshine hoàn tất việc xây dựng và Công ty Sunshine dự kiến bán toàn bộ văn phòng thuộc tầng 3 và tầng 4 của Tòa nhà Sunshine (“Sàn Văn phòng”) cho Công ty Cổ phần An Nhiên (“Công ty An Nhiên”), một doanh nghiệp 100% vốn trong nước hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Công ty An Nhiên dự định sau khi nhận chuyển nhượng Sàn Văn phòng sẽ sử dụng để bán hoặc cho thuê.

Câu hỏi 3: Anh/Chị hãy tư vấn Công ty Sunshine bán Sàn Văn phòng cho Công ty An Nhiên để bán hoặc cho thuê có phù hợp với pháp luật không và nêu cơ sở pháp lý.

Câu hỏi 4: Anh/Chị hãy tư vấn về quyền sử dụng Khu đất của Công ty Sunhine và của Công ty An Nhiên sau khi mua Sàn Văn phòng.

Tình tiết bổ sung
Ngày 01 tháng 3 năm 2019, cổ đông A của Công ty Sunshine chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần của mình chiếm 65% vốn điều lệ của Công ty Sunshine cho Công ty Mazland (một công ty được thành lập tại Singapore). Việc chuyển nhượng cổ phần này đã hoàn tất thực hiện đầy đủ các thủ tục về đầu tư doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Công ty Mazaland được ghi nhận hợp lệ là cổ đông nước ngoài nắm giữ 65% vốn điều lệ của Công ty Sunshine. Sau khi công ty Mazaland trở thành cổ đông lớn của Công ty Sunshine, Công ty Sunshine mong muốn mở rộng đầu tư thông qua việc đầu tư vào một dự án xây dựng trung tâm thương mại tại Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh (“Dự án Trung tâm Thương mại”). Qua tìm hiểu, Dự án Trung tâm Thương mại đang được Công ty TNHH Hưng Phát là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên với 100% vốn đầu tư trong nước (“Công ty Hưng Phát”) đầu tư, xây dựng và phát triển. Dự án Trung tâm Thương mại nằm trên khu đất có diện tích 1.000 m2 tại Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh (“Lô đất”). Lô đất này được Nhà nước giao cho Công ty Hưng Phát dưới hình thức đất giao có thu tiền sử dụng đất để thực hiện Dự án Xây dựng Trung tâm Thương mại theo quyết định giao đất của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ngày 02 tháng 01 năm 2005. Công ty Sunshine dự định mua toàn bộ phần vốn góp trong Công ty Hưng Phát từ chủ sở hữu và sau khi hoàn tất giao dịch, Công ty Sunshine là chủ sở hữu duy nhất đối với Công ty Hưng Phát. Giao dịch mua bán dự kiến hoàn tất vào tháng 7 năm 2019.

Câu hỏi 5: Trong trường hợp Công ty Sunshine mua toàn bộ phần vốn góp trong Công ty Hưng Phát thì Công ty Hưng Phát có thể tiếp tục sử dụng đất dưới hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất hay không?

(Thí sinh được sử dụng các văn bản pháp luật)
———————-

ĐÁP ÁN ĐỀ THI LUẬT SƯ TẬP SỰ KDTM
ĐỢT 2/2019

Câu hỏi & nội dung trả lời Điểm
Câu 1. Anh/Chị hãy tư vấn các điều kiện về vốn theo quy định của pháp luật hiện hành để Công ty Sunshine có thể thực hiện Dự án Sunshine. 1,0
Để thực hiện Dự án Sunshine, Công ty Sunshine phải đáp ứng các tiêu chí về vốn như sau:

  1. Vốn pháp định: theo Điều 10.1 của Luật Kinh doanh bất động sản số 66/2014/QH13 (Quốc hội, ngày 25 tháng 11 năm 2014) (“Luật KDBĐS”), doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng. Với vốn điều lệ 120 tỷ, Công ty Sunshine đã đáp ứng điều kiện vốn pháp định.
0,5
  1. Vốn chủ sở hữu trên tổng vốn đầu tư: nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để cho thuê hoặc để bán kết hợp cho thuê do Nhà nước cho thuê đất có quy mô dưới 20 héc ta phải có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư (theo Điều 14.1(a) và 14.2(a) Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15 tháng 05 năm 2015 (“Nghị định 43”). Do tổng vốn đầu tư dự kiến của Dự án Sunshine là 500 tỷ đồng nên Công ty Sunshine phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu là 100 tỷ đồng. Với vốn điều lệ 120 tỷ, Công ty Sunshine đã đáp ứng điều kiện vốn chủ sở hữu.
0,5
Câu 2. Anh/Chị hãy tư vấn cho Công ty Sunshine về tính khả thi của phương án huy động vốn mà ban lãnh đạo Công ty Sunshine đề xuất ở trên và nêu cơ sở pháp lý. 1,5
Phương án huy động vốn này không khả thi vì:

  1. Chưa đáp ứng các điều kiện về huy động vốn theo quy định của Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2014. Cụ thể theo Điều 69.3 của Luật Nhà ở, chủ đầu tư được phép huy động vốn từ “tiền mua, tiền thuê mua, tiền thuê nhà ở trả trước theo hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai

Việc huy động vốn phải thỏa mãn các điều kiện quy định tại Điều 55.1 Luật KDBĐS và Điều 19.2(b) Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015, cụ thể bao gồm:

  1. Chủ đầu tư phải có giấy tờ về quyền sử dụng đất của Khu đất, hồ sơ dự án, thiết kể bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
  2. Có Giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có Giấy phép xây dựng;
  3. Có giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ Dự án Sunshine và biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà; và
  4. Có văn bản thông báo của Sở Xây dựng về việc nhà ở đủ điều kiện được bán hoặc sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ thông báo mà Sở Xây sựng không trả lời cho Công ty Sunshine.
0,5
  1. Việc dự kiến thu 50% tổng giá trị của nhà bán là không phù hợp với quy định của pháp luật vì:

Theo Điều 57.1 Luật KDBĐS, việc thanh toán trong mua bán bất động sản hình thành trong tương lai được thực hiện nhièu lần, trong đó:

  1. Lần đầu không quá 30% giá trị hợp đồng;
  2. Những lần tiếp theo phải phù hợp với tiến độ xây dựng bất động sản nhưng tổng số không quá 70% giá trị hợp đồng khi chưa bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng.
0,5
Câu 3. Anh/Chị hãy tư vấn Công ty Sunshine bán Sàn Văn phòng cho Công ty An Nhiên để bán hoặc cho thuê có phù hợp với pháp luật không và nêu cơ sở pháp lý. 0,75
Việc Công ty Sunshine chuyển nhượng Sàn Văn phòng cho Công ty An Nhiên để bán hoặc cho thuê là phù hợp với quy định của Luật KDBĐS, cụ thể 0,25
  1. Đối với bên chuyển nhượng (Cty Sunhine): Theo Điều 11.1(d) Luật KDBĐS, đối với đất được Nhà nước cho thuê thì tổ chức trong nước được đầu tư xây dựng nhà ở và công trình xây dựng không phải là nhà ở đế bán, cho thuê, cho thuê mua
0,25
  1. Đối với bên nhận chuyển nhượng (Công ty An Nhiên): Theo Điều 11.1.(a) và 14.1 Luật KDBĐS, tổ chức trong nước được mua công trinh xây dựng để bán hoặc cho thuê.
0,25
Câu 4. Anh/Chị hãy tư vấn về quyền sử dụng Khu đất của Công ty Sunhine và của Công ty An Nhiên sau khi mua Sàn Văn phòng.
Theo Điều 49.1 và 49.3(be) Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 và Điều 19.2(b) Luật KDBĐS, quyền sử dụng đất của các chủ sở hữu sau khi mua phần diện tích trong nhà chung cư có mục đích hỗn hợp là quyền sử dụng chung theo phần không thể phân chia. Do đó, sau khi mua Sàn Văn phòng, Công ty An Nhiên và Công ty Sunshine (cùng với những khách hàng mua căn hộ) có quyền sử dụng chung theo phần không thể phân chia đối với Khu đất.
0,5
Câu 5. Trong trường hợp Công ty Sunshine mua toàn bộ phần vốn góp trong Công ty Hưng Phát thì Công ty Hưng Phát có thể tiếp tục sử dụng đất dưới hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất hay không? 1,25
Công ty Hưng Phát không được tiếp tục sử dụng đất dưới hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất. Bởi lẽ:

  1. Sau khi Công ty Sunshine mua toàn bộ phần vốn góp của Công ty Hưng Phát, Công ty Hưng Phát sẽ được xem là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo quy định tại Điều 23.1 Luật Đầu tư năm 2014, tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầuư nước ngoài khi đầu tư góp vốn, mua cồ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  1. Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
  2. Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên;
  3. Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên.

Vì Công ty Mazaland (là nhà đầu tư nước ngoài) sở hữu 65% vốn điều lệ của Công ty Sunshine nên Công ty Sunshine được đối xử như là nhà đầu tư nước ngoài khi mua  toàn bộ phần vốn góp trong Công ty Hưng Phát theo Điều 23.1(a) Luật Đầu tư.
Điều 5.7 Luật Đất đai năm 2013 quy định “Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên quan, doanh nghiệp Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài mua  cổ phần, sáp nhập, mua lại theo quy định của pháp luật về đầu  tư”.

0,5
  1. Theo Điều 55 và 56.1(đ) Luật Đất đai 2013, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được phép sử dụng đất dưới hình thức thuê đất từ Nhà nước đối với đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Do Công ty Hưng Phát được coi là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư nên phải chuyển đổi hình thức sử dụng đất từ đất có thu tiền sử dụng đât sang hình thức thuê đất./.
0,5

—————————-
ĐỀ THI LUẬT SƯ TẬP SỰ KDTM
ĐỢT 1/2019

Công ty TNHH ABC (sau đây gọi tắt là “Công ty ABC”), có trụ sở tại Hà Nội, được hai vợ chồng ông A và bà B, đều là người Việt Nam, thành lập vào tháng 8/2015, với số vốn điều lệ ban đầu 30 tỷ đồng và tỷ lệ nắm giữ vốn là: ông A 85%, bà B 15%, lĩnh vực hoạt động kinh doanh duy nhất là dịch vụ khách sạn. Cũng trong năm 2015, ngay sau khi thành lập, các thành viên đã góp đủ vốn điều lệ và Công ty ABC đã mua lại một khách sạn (“Khách sạn ABC”) nằm trên mảnh đất rộng 1.000 m2 tại Hà Nội từ công ty khác với giá 45 tỷ đồng. Công ty ABC đã có một số khoản vay và nghĩa vụ chưa thanh toán. Cho đến nay, bộ máy nhân sự của khách sạn đã được tuyển dụng đầy đủ và hoạt động bình thường. Công ty chưa quyết toán thuế năm 2015 – 2016.

Tháng 3/2017, hội đồng thành viên Công ty ABC dự kiến mở rộng hoạt động kinh doanh của công ty sang một lĩnh vực mới và quyết định đăng ký điều chỉnh tăng vốn điều lệ của công ty thêm 20 tỷ đồng, tức từ 30 tỷ lên 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông A và bà B không góp vốn kịp được vào công ty và do thị trường có sự thay đổi, kế hoạch kinh doanh mới không khả thi nên các thành viên trong công ty quyết định không góp thêm vốn điều lệ vào công ty nhưng vẫn chưa đăng ký điều chỉnh giảm vốn điều lệ của công ty cho đến nay.

Nay, vợ chồng ông A và bà B có nguyện vọng chuyển nhượng toàn bộ Công ty ABC cho người khác. Được biết, Công ty TNHH XYZ (sau đây gọi tắt là “Công ty XYZ”), một công ty 100% vốn Việt Nam đã trao đổi với Công ty ABC để mua lại Khách sạn ABC nói trên.

Nếu được Công ty XYZ nhờ tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho giao dịch mua bán này với mục tiêu là mua được và tiếp tục kinh doanh Khách sạn ABC, anh/chị sẽ tư vấn với các câu hỏi tình huống đặt ra dưới đây:

Câu hỏi 1: Công ty XYZ cân nhắc 02 phương án đề xuất với Công ty ABC để thực hiện giao dịch nói trên, bao gồm mua tài sản là khách sạn ABC và nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của ông A và bà B trong công ty ABC. Anh/ chị hãy phân tích ưu nhược điểm của phương án đó.

Câu hỏi 2: Theo anh/chị thì Công ty XYZ nên lựa chọn phương án nào để ít phải chịu trách nhiệm và rủi ro phát sinh từ hoạt động của Công ty ABC trước khi chuyển nhượng? Nêu các lý do chính cho lời khuyên đó?

Câu hỏi 3: Nếu ông A và bà B muốn chuyển nhượng toàn bộ vốn điều lệ của họ trong Công ty ABC cho Công ty XYZ và Công ty XYZ chấp nhận đề xuất này:

  1. Anh/Chị hãy tư vấn cho Công ty XYZ tiến hành đánh giá và thẩm định những vấn đề pháp lý cơ bản nào liên quan đến Công ty ABC trước khi ký hợp đồng chuyển nhượng và thanh toán tiền?
  2. Theo anh/chị, ông A và bà B có vi phạm quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 về nghĩa vụ góp vốn điều lệ vào Công ty ABC không? Tại sao?

Câu hỏi 4: Trong trường hợp ông A và bà B bán tài sản là toàn bộ khách sạn cho Công ty XYZ, thì việc chưa góp đủ vốn điều lệ hoặc đăng ký giảm vốn trong Công ty ABC có gây ra rủi ro gì cho Công ty XYZ khi thực hiện giao dịch mua tài sản là Khách sạn ABC hay không và tại sao?

(Thí sinh được dùng các văn bản pháp luật)

ĐÁP ÁN ĐỀ THI LUẬT SƯ TẬP SỰ KDTM
ĐỢT 1/2019

Câu hỏi 1: (1,5 điểm)
Câu hỏi: Công ty XYZ cân nhắc 02 phương án đề xuất với Công ty ABC để thực hiện giao dịch nói trên, bao gồm mua tài sản là khách sạn ABC và nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của ông A và bà B trong công ty ABC. Anh/ chị hãy phân tích ưu nhược điểm của phương án đó?
Đáp án:

  1. Ưu nhược điểm của từng phương án:
  1. Mua tài sản là khách sạn: (Cách chấm điểm: mỗi ý được 0,25đ nhưng tổng tối đa không quá 0,75đ. Trường hợp thí sinh chỉ nêu được tinh thần của câu trả lời theo đáp án thì vẫn được tính điểm).
  • Ưu điểm:
  • Giảm thiểu các rủi ro từ nghĩa vụ tiềm ẩn phát sinh trong quá khứ của công ty;
  • Không phải tiếp quản lao động cũ nếu không muốn;
  • Không phải tiếp tục thực hiện các cam kết, nghĩa vụ với bên thứ ba.
  • Nhược điểm:
  • Khó duy trì được các quan hệ với các đối tác của Công ty ABC đã được xây dựng đến thời điểm chuyển nhượng;
  • Không duy trì được bộ máy nhân sự đã ổn định của Công ty ABC;
  • Thương hiệu và nhãn hiệu của khách sạn thuộc sở hữu của Công ty ABC sẽ không được chuyển giao lại cho bên mua nếu công ty ABC không đồng ý;
  • Chi phí thuế, phí liên quan đến chuyển nhượng tài sản có thể cao hơn so với chuyển nhượng vốn.
  1. Chuyển nhượng vốn: (Cách chấm điểm: mỗi ý được 0,25đ nhưng tổng tối đa không quá 0,75đ. Trường hợp thí sinh chỉ nêu được tinh thần của câu trả lời theo đáp án thì vẫn được tính điểm).
  • Ưu điểm:
  • Duy trì và kế thừa hoạt động của doanh nghiệp đã được xây dựng đến thời điểm chuyển nhượng mà vẫn làm chủ được khách sạn;
  • Duy trì được bộ máy nhân sự đã ổn định của doanh nghiệp;
  • Thương hiệu và nhãn hiệu của khách sạn (nếu thuộc sở hữu công ty) sẽ được chuyển giao lại cho bên mua.
  • Nhược điểm:
  • Khó kiểm soát phần nghĩa vụ thuế của Công ty ABC với nhà nước trong quá khứ;
  • Khó kiểm soát các nghĩa vụ nợ nần trong quá khứ của Công ty ABC với các bên thứ ba;
  • Phải tiếp quản và thực hiện tiếp các hợp đồng và cam kết được giao kết trước đó, kể cả bất lợi hoặc không muốn, bao gồm cả khoản vay với ngân hàng.

Câu hỏi 2: (1,0 điểm)
Câu hỏi: Theo anh/chị thì Công ty XYZ nên lựa chọn phương án nào để ít phải chịu trách nhiệm và rủi ro phát sinh từ hoạt động của Công ty ABC trước khi chuyển nhượng? Nêu các lý do chính cho lời khuyên đó?
Đáp án:

  1. Nên chọn phương án mua tài sản là khách sạn ABC (0,5đ).
  2. Lý do: (Cách chấm điểm: mỗi ý được 0,25đ nhưng tổng tối đa không quá 0,5đ. Trường hợp thí sinh chỉ nêu được tinh thần của câu trả lời theo đáp án thì vẫn được tính điểm).
  1. Không phải thực hiện các cam kết, nghĩa vụ, trách nhiệm của Công ty ABC với bên thứ ba;
  2. Không phải chịu rủi ro liên quan đến các nghĩa vụ tiềm ẩn, các vấn đề bất lợi khác chưa được tiết lộ của Công ty ABC vào thời điểm chuyển nhượng (bao gồm cả các trách nhiệm về thuế do chưa quyết toàn);
  3. Không phải tiếp quản lao động cũ nếu không muốn.

Câu hỏi 3: (2,0 điểm)
Câu hỏi: Nếu ông A và bà B muốn chuyển nhượng toàn bộ vốn điều lệ của họ trong Công ty ABC cho Công ty XYZ và Công ty XYZ chấp nhận đề xuất này:
1. Anh/Chị hãy tư vấn cho Công ty XYZ tiến hành đánh giá và thẩm định những vấn đề pháp lý cơ bản nào liên quan đến Công ty ABC trước khi ký hợp đồng chuyển nhượng và thanh toán tiền?
2. Theo anh/chị, ông A và bà B có vi phạm quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 về nghĩa vụ góp vốn điều lệ vào Công ty ABC không? Tại sao?
Đáp án:

  1. Tư vấn cho Công ty XYZ tiến hành đánh giá về thẩm định những vấn đề pháp lý cơ bản, gồm các ý sau đây: (Cách chấm điểm: mỗi ý được 0,25đ nhưng tổng tối đa không quá 1,5đ. Trường hợp thí sinh chỉ nêu được tinh thần của câu trả lời theo đáp án thì vẫn được tính điểm).
  1. Các thông tin về sở hữu phần vốn góp của các thành viên công ty ABC, vốn góp, chức năng và cơ cấu tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp (thông qua đăng ký doanh nghiệp, điều lệ doanh nghiệp vv..) và hồ sơ hoạt động của Công ty ABC;
  2. Các loại giấy phép kinh doanh, chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, hoạt động của khách sạn, chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy, v.v.;
  3. Các giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất, các nghĩa vụ tài chính về đất;
  4. Giấy phép cây dựng và giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với khách sạn và các tài sản khác của Công ty ABC;
  5. Các hợp đồng vay, cầm cố, thế chấp và các biện pháp bảo đảm khác của Công ty ABC ký với ngân hàng và/hoặc bên thứ ba;
  6. Các hợp đồng của Công ty ABC với các đối tác kinh doanh là các nhà cung cấp và bên mua hàng/dịch vụ của công ty;
  7. Việc thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm khác với Nhà nước (vd. Thuế) và các bên liên quan và rủi ro phát sinh, nếu có;
  8. Danh sách người lao động, các hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể và các nghĩa vụ khác của Công ty ABC liên quan đến người lao động;
  9. Các vụ tranh chấp mà Công ty ABC đang phải giải quyết với các bên khác.
  1. Có vi phạm (0,25đ)

Ông A và bà B đã vi phạm quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 vì đã không hoàn thành việc góp vốn vào Công ty trước khi đăng ký tăng vốn theo Khoản 4 Điều 68 và/hoặc khoản 2 Điều 31 Luật Doanh nghiệp 2014 (0,25đ).
Câu hỏi 4: (0,5 điểm)
Câu hỏi: Trong trường hợp ông A và bà B bán tài sản là toàn bộ khách sạn cho Công ty XYZ, thì việc chưa góp đủ vốn điều lệ hoặc đăng ký giảm vốn trong Công ty ABC có gây ra rủi ro gì cho Công ty XYZ khi thực hiện giao dịch mua tài sản là Khách sạn ABC hay không và tại sao?
Đáp án:

  1. Không có rủi ro (0,25đ).
  2. Việc Công ty XYZ mua tài sản là khách sạn ABC không liên quan đến việc góp vốn của các thành viên (0,25đ).

ĐỀ THI LUẬT SƯ TẬP SỰ KDTM
ĐỢT 2/2018

Ngày 16/5/2016, Công ty Chư Sê – Gia Lai (Bên bán) ký Hợp đồng mua bán số HT 16516: bán và giao hàng tại kho cho Công ty Phú Nghĩa – TP Hồ Chí Minh (Bên mua), số lượng 50 tấn hạt tiêu với đơn giá 160.000 đồng/kg, tổng giá trị hợp đồng 8.000.000.000 đồng (tám tỷ đồng), chưa kể 10% VAT; Thanh toán 80% giá trị hàng trong vòng 5 ngày kể từ ngày giao nhận; 20% thanh toán trong vòng 25 ngày tiếp theo; Hàng giao làm 3 đợt, đợt 1 từ ngày 01 đến ngày 15 của tháng 06/2016 giao 10 tấn và đợt thứ hai từ ngày 01 đến ngày 15 của tháng 11/2016 giao 10 tấn; đợt 3 từ ngày 16 đến 30 tháng 3 năm 2017 giao 30 tấn. Hợp đồng quy định bên vi phạm phải chịu phạt tối đa theo quy định của pháp luật. Điều khoản giải quyết tranh chấp hợp đồng quy định: “Khi có tranh chấp, nếu không thương lượng hoà giải được, các bên sẽ yêu cầu Trọng tài thương mại của Việt Nam giải quyết”.

Sau đợt giao hàng đầu tiên – 01/6/2016, hai bên (Công ty Chư Sê và Công ty Phú Nghĩa) đã giao nhận 10 tấn hạt tiêu, giá 160.000 đồng/kg, thực hiện thanh toán 80% theo hợp đồng số tiền 1.280.000.000 đồng. Sau đó, thị trường hạt tiêu giảm giá mạnh. Giá hạt tiêu thời điểm tháng 11/2016 là 100.000 đồng/kg. Giá hạt tiêu tháng 3/2017 là 80.000 đồng/kg.

Ngày 07/11/2016, Công ty Chư Sê giao 5 tấn hạt tiêu, nhưng công ty Phú Nghĩa từ chối nhận hàng, vì lý do giao chậm so với thoả thuận, hơn nữa hạt không đều và độ ẩm cao hơn mức cho phép.

Sau đó, hai bên đã nhiều lần email trao đổi với nhau nhằm giải quyết bất đồng, nhưng không đạt được thoả thuận. Công ty Phú Nghĩa cho rằng, Bên Bán đã vi phạm hợp đồng về thời gian giao hàng và chất lượng hàng không bảo đảm, nên tuyên bố đơn phương huỷ bỏ hợp đồng; Công ty Chư Sê khằng định sẽ giao số hạt tiêu còn lại của hợp đồng (bao gồm 5 tấn đợt 2 bị từ chối) bảo đảm chất lượng như thoả thuận trong hợp đồng và yêu cầu Bên mua nhận số hàng còn lại, thanh toán đủ như cam kết trước ngày 30/03/2017;

Để có nguồn hàng theo hợp đồng, từ ngày 01 đến ngày 31 của tháng 7/2016, Công ty Chư Sê đã mua trữ hạt tiêu của Nông trường Kreo 40 tấn, với giá 150.000 đồng/kg (Chưa tính 10% VAT) với đầy đủ hợp đồng, Biên bản giao nhận, phiếu xuất kho, Hoá đơn bán hàng và các chứng từ thanh toán. Do không giao được hàng cho Công ty Phú Nghĩa, ngày 28/4/2017 Công ty Chư Sê đã bán 40 tấn hạt tiêu đã nhập của Nông trường Kreo với giá 80.000 đồng/kg cho bên mua khác (đầy đủ tài liệu, chứng từ hợp pháp).

Câu hỏi 1: Trước khi hai bên ký hợp đồng, Công ty Chư Sê (khách hàng) yêu cầu Anh/Chị soạn thảo hợp đồng: Nêu các đầu mục điều khoản cần thiết ít nhất 10 đầu mục của hợp đồng mua bán hạt tiêu.

Câu hỏi 2: Do thương lượng không đạt kết quả, tháng 1/2018 Công ty Chư Sê dự kiến khởi kiện Công ty Phú Nghĩa. Anh/Chị hãy xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong trường hợp này, bao gồm cả cơ sở pháp lý liên quan.

Câu hỏi 3: Anh/Chị được Công ty Chư Sê yêu cầu đưa ra phương án tính toán các khoản tiền có thể yêu cầu Công ty Phú Nghĩa thanh toán do vi phạm hợp đồng và phân tích cơ sở pháp lý cho các yêu cầu này.

(Thí sinh được sử dụng văn bản pháp luật)
——————–

ĐÁP ÁN ĐỀ THI LUẬT SƯ TẬP SỰ KDTM
ĐỢT 2/2018

Câu hỏi 1 (1,5 điểm):
Câu hỏi: Trước khi hai bên ký hợp đồng, Công ty Chư Sê (khách hàng) yêu cầu Anh/Chị soạn thảo hợp đồng: Nêu các đầu mục điều khoản cần thiết ít nhất 10 đầu mục của hợp đồng mua bán hạt tiêu?
Đáp án:
Hợp đồng cần có các điều khoản sau:

  • Thông tin về các Bên;
  • Đối tượng hợp đồng (Hàng hoá mua bán (hạt tiêu), số lượng, chủng loại, chất lượng/ các chỉ tiêu chất lượng chính;
  • Thời hạn và phương thức, địa điểm giao nhận hàng;
  • Kiểm tra chất lượng;
  • Đơn giá và giá trị hợp đồng;
  • Phương thức thanh toán, tiến độ, thời hạn thanh toán;
  • Quyền và nghĩa vụ khác của các bên;
  • Vi phạm hợp đồng và xử lý vi phạm;
  • Sửa đổi, bổ sung, chấm dứt, huỷ bỏ hợp đồng;
  • Luật áp dụng;
  • Giải quyết tranh chấp;
  • Hiệu lực, số bản của hợp đồng.

Thí sinh có thể nêu tên khác cùng nội dung hoặc bổ sung điều khoản khác phù hợp với đề bải. Chấm điểm linh hoạt, mỗi 1 đầu mục điều khoản được 0,15đ, từ 10 điều khoản cần thiết trở lên cho điểm tối đa.
Câu hỏi 2 (1,0 điểm):
Câu hỏi: Do thương lượng không đạt kết quả, tháng 1/2018 Công ty Chư Sê dự kiến khởi kiện Công ty Phú Nghĩa. Anh/Chị hãy xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trọng trường hợp này, bao gồm cả cơ sở pháp lý liên quan.
Đáp án:

  • Do các bên thoả thuận trong hợp đồng là: thẩm quyền giải quyết là “Trọng tài thương mại của Việt Nam” nên không thể xác định được hình thức hay cơ quan trọng tai nào. Vì vậy, cần áp dụng quy định tại khoản 5, Điều 43 Luật Trọng tài thương mại 2010, cụ thể như sau: (0,5 điểm)

“5. Trường hợp các bên đã có thoả thuận trọng tài nhưng không chỉ rõ hình thức trọng tài hoặc không thể xác định được tổ chức trọng tài cụ thể, thì khi có tranh chấp, các bên phải thoả thuận lại về hình thức trọng tài hoặc tổ chức trọng tài cụ thể để giải quyết tranh chấp. Nếu không thoả thuận được thì việc lựa chọn hình thức, tổ chức trọng tài để giải quyết tranh chấp được thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn”.

  • Do vậy, Công ty Chư Sê cần thoả thuận với Công ty Phú Nghĩa để thống nhất về hình thức trọng tài (chọn 1 cơ quan trọng tài cụ thể hoặc thành lập hội đồng trọng tài).
  • ….. (thiếu)

Câu hỏi 3 (2,5 điểm):
Câu hỏi: Anh/Chị được Công ty Chư Sê yêu cầu đưa ra phương án tính toán các khoản tiền có thể yêu cầu Công ty Phú Nghĩa thanh toán do vi phạm hợp đồng và phân tích cơ sở pháp lý cho các yêu cầu này.
Đáp án: Thiếu

ĐỀ THI LUẬT SƯ TẬP SỰ KDTM
ĐỢT 1/2018

Công ty TNHH sản xuất đồ gỗ A được thành lập theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, có trụ sở tại tỉnh B, Việt Nam chuyên sản xuất đồ gỗ nội thất và ngoài trời (sau đây được gọi là “Công ty A”). Tháng 5/2017, sau quá trình chào giá, trao đổi thông tin sản phẩm, duyệt mẫu, đánh giá tiêu chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn đạo đức – trách nhiệm xã hội, Công ty TJX (trụ sở tại Hoa Kỳ, không có hiện diện thương mại ở Việt Nam) đã đặt mua của Công ty A 03 công ten nơ hàng bàn, ghế gỗ theo mẫu do công ty TJX thiết kế. Loại hàng bàn, ghế gỗ này không nằm trong Danh mục hàng hoá cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu và các hàng hoá xuất khẩu theo giấy phép hoặc phải bảo đảm các quy định liên quan về kiểm dịch, an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, chịu sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền trước khi thông quan.

Do chưa có nhiều kinh nghiệm xuất hàng đi nước ngoài, Công ty A lấy mẫu hợp đồng mua hàng thường dùng với các đối tác trong nước để ký hợp đồng đối với Công ty TJX. Hợp đồng chỉ có các điều khoản sau:

  • Số lượng hàng bàn, ghế gỗ; địa điểm, phương thức, thời hạn giao hàng;
  • Tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, quy cách đóng gói;
  • Giá cả, đồng tiền thanh toán và tiến độ thanh toán (20% đặt cọc trong vòng 5 ngày kể từ ngày ký Hợp đồng; 80% còn lại thanh toán bằng chuyển khoản trong vòng 60 ngày kể từ ngày giao đủ hàng);
  • Quyền, nghĩa vụ của hai bên;
  • Bồi thường hợp đồng trong trường hợp giao hàng chậm tiến độ, không đúng chất lượng đã cam kết;
  • Trường hợp bất khả kháng, quyền sở hữu trí tuệ và bảo mật thông tin.

Đại diện có thẩm quyền của hai bên đã ký kết hợp đồng, Công ty TJX đặt cọc và Công ty A triển khai sản xuất đại trà theo thoả thuận trong hợp đồng và sản phẩm mẫu đã được duyệt.
Câu hỏi 1: Để xuất khẩu 03 công ten nơ hàng bàn, ghế gỗ ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Công ty A có phải xin giấy phép cho việc xuất khẩu hàng hoá hay không? Cơ sở pháp lý?
Câu hỏi 2: Điều khoản thanh toán trên có rủi ro, bất lợi gì cho Công ty A? Anh/Chị hãy đề xuất giải pháp sửa đổi để khắc phục rủi ro trước khi ký hợp đồng.
Câu hỏi 3: Giả sử Anh/Chị được mời tư vấn trước khi ký hợp đồng, anh/chị hãy tư vấn cho Công ty A những điều khoản khác cần bổ sung trong hợp đồng mua bán ngoại thương nói trên.
Tình tiết bổ sung
Đầu tháng 10, Công ty A sản xuất xong đơn hàng theo hợp đồng, và đưa 3 công ten nơ hàng bàn, ghế gỗ lên tàu chuyển sang Hoa Kỳ. Cuối tháng 10/2017, Công ty TJX đã nhận được đầy đủ hàng hoá. Tuy nhiên, tại thời điểm nhận hàng, nhân viên kiểm tra chất lượng Công ty TJX phát hiện một số bàn gỗ không đảm bảo chất lượng theo đúng thoả thuận trong hợp đồng hai bên đã ký. Công ty TJX yêu cầu Công ty A bồi thường số bàn gỗ bị lỗi đó với số tiền là 50.000 USD và trừ vào khoản thanh toán còn lại phải trả cho Công ty A. Công ty A cho rằng, số bàn gỗ bị lỗi đó, nếu sản xuất lại và gửi lại cho công ty TJX thì tất cả chi phí cũng chỉ mất khoảng 25.000 USD. Và Công ty A cũng cân nhắc khả năng khởi kiện Công ty TJX tại Việt Nam trong trường hợp thương lượng không thành.
Câu hỏi 4: Với tư cách là luật sư tư vấn cho Công ty A, anh/chị hãy tư vấn cho Công ty A về khả năng khởi kiện Công ty TJX tại Việt Nam? Nêu rõ cơ sở pháp lý và luật áp dụng giải quyết tranh chấp?

(Thí sinh được sử dụng các văn bản pháp luật)
——————–

ĐÁP ÁN ĐỀ THI LUẬT SƯ TẬP SỰ KDTM
ĐỢT 1/2018

Câu hỏi 1 (1,0 điểm):
Câu hỏi: Để xuất khẩu 03 công ten nơ hàng bàn, ghế gỗ ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Công ty A có phải xin giấy phép cho việc xuất khẩu hàng hoá hay không? Cơ sở pháp lý?
Đáp án:

Ý Nội dung Điểm
a Không, công ty A không phải xin phép giấy phép nào cho việc xuất khẩu sản phẩm mà chỉ làm thủ tục xuất khẩu tại Chi cục Hải quan cửa khẩu 0.5
b Cơ sở pháp lý: Khoản 3, Điều 4, Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ban hành ngày 20 tháng 11 năm 2013. 0.5

Câu hỏi 2 (1,0 điểm):
Câu hỏi: Điều khoản thanh toán trên có rủi ro, bất lợi gì cho Công ty A? Anh/Chị hãy đề xuất giải pháp sửa đổi để khắc phục rủi ro trước khi ký hợp đồng.
Đáp án:

Ý Nội dung Điểm
– Điều khoản thanh toán có rủi ro là bên B đã nhận hàng nhưng không thanh toán cho Bên A đúng thời hạn và không có biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thanh toán của bên B cho bên A. 0,5
– Biện pháp khắc phục:
Quy định phương thức thanh toán có biện pháp bảo đảm nghĩa vụ thanh toán của bên B (ví dụ, thanh toán bằng LC không huỷ ngang, có bảo lãnh ngân hàng hoặc thanh toán bằng toàn bộ giá trị trước khi giao hàng).
0,5

Câu hỏi 3 (1,0 điểm):
Câu hỏi: Giả sử Anh/Chị được mời tư vấn trước khi ký hợp đồng, anh/chị hãy tư vấn cho Công ty A những điều khoản khác cần bổ sung trong hợp đồng mua bán ngoại thương nói trên?
Tình tiết bổ sung
Đầu tháng 10, Công ty A sản xuất xong đơn hàng theo hợp đồng, và đưa 3 công ten nơ hàng bàn, ghế gỗ lên tàu chuyển sang Hoa Kỳ. Cuối tháng 10/2017, Công ty TJX đã nhận được đầy đủ hàng hoá. Tuy nhiên, tại thời điểm nhận hàng, nhân viên kiểm tra chất lượng Công ty TJX phát hiện một số bàn gỗ không đảm bảo chất lượng theo đúng thoả thuận trong hợp đồng hai bên đã ký. Công ty TJX yêu cầu Công ty A bồi thường số bàn gỗ bị lỗi đó với số tiền là 50.000 USD và trừ vào khoản thanh toán còn lại phải trả cho Công ty A. Công ty A cho rằng, số bàn gỗ bị lỗi đó, nếu sản xuất lại và gửi lại cho công ty TJX thì tất cả chi phí cũng chỉ mất khoảng 25.000 USD. Và Công ty A cũng cân nhắc khả năng khởi kiện Công ty TJX tại Việt Nam trong trường hợp thương lượng không thành.
Đáp án:

Ý Nội dung Điểm
Điều khoản cần bổ sung (ngoài điều khoản về biện pháp đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nói trên):
– Lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng. 0,25
– Quy định về phương thức giải quyết tranh chấp 0,25
– Các điều khoản khác: bảo hiểm hàng hoá; vấn đề thừa hàng, thiếu hàng khi giao nhận; trách nhiệm bàn giao chứng từ; bảo hành sản phẩm, kiểm định chất lượng hàng hoá (thí sinh nêu được ít nhất 2 ý thì được điểm tối đa 0.5; nếu chỉ được 1 ý thì được 0.25đ) 0,5

Câu hỏi 4 (1,0 điểm):
Câu hỏi: Với tư cách là luật sư tư vấn cho Công ty A, anh/chị hãy tư vấn cho Công ty A về khả năng khởi kiện Công ty TJX tại Việt Nam? Nêu rõ cơ sở pháp lý và luật áp dụng giải quyết tranh chấp?
Đáp án:

Ý Nội dung Điểm
a Công ty A có thể khởi kiện công ty TJX tại Việt Nam mặc dù hợp đồng không thoả thuận về luật áp dụng và cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. 1,0
b Vì Hợp đồng không quy định trọng tài là cơ quan giải quyết tranh chấp nên Công ty A có thể khởi kiện Công ty TJX ra Toà án Việt Nam. 0,25
Điểm đ, Khoản 1, Điều 469, Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định: Toà án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong những trường hợp sau đây: đ) vụ việc về quan hệ dân sự mà việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở Việt Nam, đối tượng của quan hệ đó là tài sản trên lãnh thổ Việt Nam hoặc công việc được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam 0,25
Xác định Luật áp dụng cho Hợp đồng là Luật Việt Nam vì căn cứ Khoản 1 và Khoản 2, Điều 683, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Trường hợp các bên không có thoả thuận về pháp luật áp dụng thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng đó được áp dụng. 0,25
Pháp luật của nước sau đây được coi là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng:
a) Pháp luật của nước nơi người bán cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng mua bán hàng hoá; 0,25

———————————-
ĐỀ THI LUẬT SƯ TẬP SỰ KDTM
ĐỢT 2/2016
(Thiếu đáp án)
Ngày 01/4/2011, một công ty được thành lập tại Nhật Bản (“Công ty Nhật Bản”) hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh phân phối ô tô nhãn hiệu Luxury đã thành lập một văn phòng đại diện thương mại tại thành phố Hồ Chí Minh để phục vụ hoạt động kinh doanh của mình tại Việt Nam (“VPĐD”). Thời hạn của giấy phép thành lập VPĐD là 5 năm kể từ ngày 01/01/2016. Giấy phép thành lập VPĐD đã được gia hạn thêm 5 năm kể từ ngày hết hạn 01/01/2016.
Ngày 01/01/2015, Công ty Nhật Bản ký hợp đồng đại lý phân phối ô tô Luxury (“Hợp đồng phân phối”) với Công ty TNHH Tốc độ, một công ty trong nước được thành lập tại thành phố Hồ Chí Minh (“Công ty Tốc độ”). Trong đó, các bên thoả thuận như sau:

  • Công ty Tốc độ được chỉ định là đại lý không độc quyền của Công ty Nhât Bản tại Việt Nam để bán ô tô Luxury tại Việt Nam. Công ty Nhật Bản vẫn là chủ sở hữu đối với ô tô Luxury đã giao cho Công ty Tốc độ bán theo Hợp đồng phân phối;
  • Hợp đồng phân phối có hiệu lực kể từ ngày ký;
  • Công ty Nhật Bản được quyền trực tiếp hoặc thông qua công ty con được thành lập tại Việt Nam bán ô tô Luxury tại Việt Nam mà không cần có sự đồng ý của Công ty Tốc độ.
  1. Hợp đồng phân phối được ký kết bởi Trưởng VPĐD và người đại diện theo pháp luật của Công ty Tốc độ. Ngoài việc bán ô tô Luxury qua Công ty Tốc độ, Công ty Nhật Bản dự kiến sẽ thông qua VPĐD thực hiện việc nhập khẩu các sản phẩm ô tô Luxury và phụ tùng vào Việt Nam để bán cho các bên thứ ba khác.
  1. Là luật sư của Công ty Nhật Bản, Anh/Chị hãy tư vấn về việc Trưởng VPĐD có được phép thay mặt Công ty Nhật Bản ký Hợp đồng phân phối trên không? Tại sao?
  2. Anh/Chị hãy cho biết Công ty Nhật Bản có được phép thông qua VPĐD để thực hiện các hoạt động kinh doanh như trên không? Tại sao?
  1. Ngày 15/3/2016, Công ty Nhật bản thành lập một công ty 100% vốn nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh (“Công ty B”). Công ty B có đăng ký ngành nghề kinh doanh nhập khẩu, phân phối ô tô Luxury tại Việt Nam. Công ty Nhật Bản mong muốn bổ nhiệm Trưởng VPĐD làm Tổng Giám đốc và người đại diện theo pháp luật Công ty B.

Là luật sư của Công ty Nhật Bản, Anh/Chị hãy tư vấn việc Trưởng VPĐD có được phép làm Tổng Giám đốc và người đại diện theo pháp luật của Công ty B không? Tại sao?

  1. Do Công ty Nhật Bản thành lập Công ty B tại Việt Nam để phân phối sản phẩm ô tô Luxury, Công ty Nhật Bản dự kiến chấm dứt Hợp đồng phân phối với Công ty Tốc độ vào 31/12/2017.

Anh/Chị hãy cho biết Công ty Nhật Bản có khả năng chấm dứt Hợp đồng phân phối với Công ty Tốc độ hay không?Hãy nêu hậu quả của việc chấm dứt.

  1. Hiện nay, sản phẩm xe ô tô Luxury của Công ty Nhật Bản chiếm 35% thị phần tại Việt Nam. Dự kiến Công ty Nhật bản sẽ chấm dứt Hợp đồng phân phối với Công ty Tốc độ, ngày 15/4/2016 Công ty B đã ký kết hợp đồng khung với Công ty C (một công ty cổ phần trong nước được thành lập tại Việt Nam phân phối sản phẩm ô tô tại Việt Nam) theo đó Công ty B và Công ty C cùng thoả thuận như sau:
  • Công ty B sẽ bán các sản phẩm ô tô Luxury do công ty B nhập khẩu cho Công ty C để Công ty C bán lại cho người tiêu dùng;
  • Công ty C chỉ bán sản phẩm ô tô Luxury theo giá bán lẻ do Công ty B ấn định và chỉ được bán các sản phẩm ô tô Luxury tại các thành phố sau: Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng.

Anh/Chị hãy cho biết thoả thuận trên của các bên có phù hợp với pháp luật Việt Nam hay không? Vì sao?

Còn từ đề 2017 trở về đến năm 2014 Chúng tôi sẽ gửi kèm theo file bài viết này nhé, vì nội dung dài cho nên chúng tôi gửi bằng file PDF cho các bạn tiện theo dõi. Các bạn hãy tải file dưới đây.


TẢI FILE MIỄN PHÍ: TẠI ĐÂY

Các bạn có thể tham khảo thêm: Tài liệu ôn thi kết thúc tập sự luật sư

User Rating: 4.63 ( 4 votes)

Nguyễn Phương

Xem thêm các bài viết nổi bật của tác giả

Một Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

Back to top button